(ĐSPL) - Nếu vụ tai nạn là do nguyên nhân từ chủ thầu xây dựng hoặc bên giám sát thi công thì cơ quan điều tra có quyền khởi tố đối với những người có trách nhiệm.
Như đã đưa tin, 20h ngày 25/3, tại công trường Dự án Formosa (KKT Vũng Áng - Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xảy ra vụ tai nạn lao động hết sức thương tâm.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra nhà thầu và chủ đầu tư đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương kịp thời cứu hộ, đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Đến 15h30, chiều 26/3 lực lượng cứu hộ kết thúc quá trình tìm kiếm, đến 18h, nhà thầu đã cơ bản dọn dẹp, tháo dỡ xong đống sắt thép, vật liệu đổ nát. Sau khoảng 20 giờ đồng hồ căng mình cứu nạn, công tác tìm kiếm các nạn nhân kết thúc. 13 công nhân được xác định đã thiệt mạng (không phải là 14 như công bố trước đó); 28 người khác bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện.
Đại diện nhà thầu Samsung C&T bày tỏ lời xin lỗi đến Chính phủ Việt Nam và gia đình, thân nhân những người bị nạn, đồng thời cam kết sẽ quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, có trách nhiệm với nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 26/3 đã có công điện chỉ đạo tổ chức cứu nạn sự cố sập giàn giáo ở dự án Formosa. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời cấp cứu những người bị thương; phối hợp với các địa phương liên quan hỗ trợ, tổ chức an táng chu đáo đối với những người bị thiệt mạng.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân sự cố sập giàn giáo và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa có văn bản số 1062/LĐTBXH-ATLĐ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc giải quyết tai nạn lao động nghiêm trọng tại Công trình xây dựng cảng Sơn Dương.
Cụ thể, Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND và Đoàn điều tra tai nạn lao động phối hợp khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn lao động theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch 01/2007 ngày 12/1/2007 của Liên tịch Bộ LĐTBXH, Bộ Công An, Viện KSNDTC hướng dẫn phối hợp trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.
Số người thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo Formosa được xác định cuối cùng là 13 người. |
|
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, vụ việc trên xảy ra trên công trường đang thi công, đó là một vụ tai nạn lao động. Vì vậy, quan hệ pháp luật đầu tiên cần xem xét là quan hệ pháp luật lao động, quy định về bồi thường tai nạn lao động.
Vụ tai nạn lao động chết người, thậm chí chết tới 13 người như trên là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, đây là sự kiện pháp lý có thể phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. Vì vậy, khi nhận được nguồn tin về vụ việc tai nạn lao động nêu trên thì cơ quan công an có quyền vào cuộc để xem xét trách nhiệm hình sự của những người có liên quan.
Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân thì vụ việc không phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. Nếu vụ tai nạn là do nguyên nhân từ chủ thầu xây dựng hoặc bên giám sát thi công thì cơ quan điều tra có quyền khởi tố đối với những người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự.
Để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh nguồn tin thì cơ quan công an có quyền triệu tập, tạm giữ, có thể áp dụng các biện pháp hành chính để cấm xuất cảnh đối với những người có liên quan. Nếu có đủ căn cứ xác định nhà thầu thi công có lỗi đối với vụ việc tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đó thì những người có liên quan có thể bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự nêu trên.
Lực lượng cứu hộ phản ứng nhanh trong vụ cứu nạn ở Formosa
Cùng quan điểm với Luật sư Đặng Văn Cường, một luật sư đại diện công ty luật PLF cho hay, theo quy định "Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự" tại Điều 13 Bộ Luật TTHS: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.”
Như vậy, trong vụ việc xảy ra tại khu Formosa (Hà Tĩnh), do có thiệt hại về người và tài sản là các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ, vì vậy để làm rõ nguyên nhân của vụ việc, phía cơ quan có thẩm quyền có quyền khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra sự việc.
"Việc sai phạm này thuộc về đơn vị giám sát hay thuộc về các bên khác, tôi cho rằng cần phải dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an trước khi có thể có bình luận chính thức về trách nhiệm của đơn vị giám sát trong vụ việc này." - Luật sư đại diện công ty luật PLF cho biết thêm.
Giàn giáo sập do sự cố má phanh Cuối giờ chiều 26/3, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ban đầu vụ sập giàn giáo. Báo cáo cho biết do má phanh ở hệ thống thủy lực không bảo đảm đã dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê-tông (cao 25 m, dài 40 m và rộng 35 m) bị sập. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT, VKSND và đoàn điều tra tai nạn lao động phối hợp khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn lao động nêu trên theo đúng quy định. |
Tuệ Lâm
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-gian-giao-o-ha-tinh-co-the-khoi-to-ve-toi-vo-y-lam-chet-nguoi-a88841.html