Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại cầu treo Lai Châu là do đứt ốc neo.
Clip: Khoảnh khắc sập cầu kinh hoàng khiến 8 người chết.
Trên các trang mạng xã hội cũng đã có những cuộc tranh luận, nhiều người cho rằng do có quá nhiều người đi qua cùng một lúc khiến cầu bị đứt cáp. Mà trong khi đó số trọng tải cho phép chỉ là 1,5 tấn. Được biết, thời điểm xảy ra tai nạn, có khoảng 100 người thân và bà con các bản lân cận đi đưa tang người xấu số, tải trọng lúc đó quá sức chịu đựng của cây cầu nên đã dẫn đến vụ việc đau lòng.
Cũng không ít người am hiểu về kết cấu trọng tải còn thắc mắc khi cho rằng, trọng tải 1,5 tấn của cầu là tải trọng tính trên mỗi mét dài của cầu. Và nếu cầu dài 54m thì tải trọng cho phép của cầu phải là 81 tấn.
Nhiều người cho rằng sập cầu ở Lai Châu là do đứt ốc neo. |
Theo ý kiến ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) khi trả lời báo chí cho biết: “Kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng có tải trọng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp”. Ông Sanh cũng nhấn mạnh rằng, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng, an toàn. Và vụ tai nạn xảy ra là do đứt ốc neo.
Cùng thời điểm đó, trên các trang mạng xã hội cũng nhiều bài viết về vụ sập cầu ở Lai Châu, và Facebook được cho là của GS.TS Nguyễn Đình Cống, GS hàng đầu về chuyên ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng có bài phân tích đáng chú ý như sau:
“Cầu treo dài 54m bị sập khi có đám tang đi qua (nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng là đứt dây cáp. Cái gì gây ra đứt dây, người ta tạm cho là sự quá tải... vì tải trọng thiết kế của cầu chỉ là 1,5 tấn).
Tôi không thể nào tin được. Hỏi 1,5 tấn là tải trọng toàn bộ hay trên mỗi mét dài. Nếu là tải toàn bộ thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28 kG/m (đây là tải trọng cho gián hoặc cùng lắm là chuột đi qua cầu). Cần hiểu tải trọng thiết kế 1,5 tấn trên mỗi mét dài, vậy tổng tải trọng sẽ là 1,5x54=81 tấn. Tải trọng của đám tang còn xa mới đạt con số ấy. Ngay cả khi tải trọng vượt tải thiết kế thì dây vẫn chưa thể đứt (nếu được thiết kế và thi công với chất lượng bảo đảm) vì hệ số an toàn của dây cáp được quy định rất cao (từ 4 trở lên)”.
Ốc neo bị đứt gây sập cầu, khiến hàng chục người tử nạn và thương vong. |
Tuy nhiên, khi ý kiến của GS Cống đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có sự phản đối. Những ý kiến phản đều có lý luận riêng khi cho rằng, do nhà thầu không am hiểu bản chất của tăng đơ là chịu kéo nên đã dùng que hàn thổi để tạo lỗ. Từ đó, biến thép thành gang nên khả năng chịu lực kéo là thấp. Thực tế, tai nạn xảy ra do đứt ốc neo.
Theo Dân Việt