Các dữ liệu mới được thu thập từ sao Thủy cho thấy, hành tinh nhỏ nhất trong hệ Mặt Trời đang ngày càng thu hẹp.
Hình ảnh sao Thủy từ tàu thăm dò Messenger. Ảnh: AP/NASA |
Theo các dữ liệu hình ảnh thu được từ tàu thăm dò Messenger của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đường kính của sao Thủy đã thu hẹp hơn 13km trong vòng 4 tỷ năm qua. Đến nay, đường kính của hành tinh này còn khoảng 4.800km.
Quá trình nguội đi qua nhiều năm của các lớp vật chất cấu tạo bên trong, được coi là nguyên nhân dẫn đến sự thu hẹp của sao Thủy. BBC dẫn lời Paul Byrne, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, hệ quả rõ rệt của việc sao Thủy đang nhỏ dần là những vách núi đá lớn đang ngày càng được đẩy lên cao do biến động bề mặt địa hình. Tại khu vực phía nam bán cầu của hành tinh này, nhóm nghiên cứu quan sát được một hệ thống dốc đứng cao hơn 3km và trải dài 960km.
Kích thước của sao Thủy đang giảm đi đáng kể trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sao Thủy sẽ không có khả năng biến mất trong tương lai.
Những dữ liệu mới thu thập được từ tàu thăm dò Messenger, được hy vọng sẽ cung cấp các thông tin nghiên cứu quan trọng về hành tinh nhỏ nhất trong hệ Mặt Trời.
Vào những năm 1970, các nhà khoa học của NASA bắt đầu thực hiện những nghiên cứu đầu tiên về sao Thủy qua các hình ảnh, được ghi lại từ tàu thăm dò Mariner 10.
N.H(theo VnExpress)