(ĐSPL) - Hệ thống tra nạp ngầm nhiên liệu hàng không được sử dụng tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp tăng độ an toàn, kiểm soát được chất lượng xăng dầu...
Tin tức trên báo Tri thức trực tuyến cho biết, sáng 11/11, tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm cho máy bay.
Đây là công nghệ tra nạp nhiên liệu hiện đại giúp tăng độ an toàn, thời gian nạp nhanh, kiểm soát được chất lượng xăng dầu... so với cách nạp truyền thống từ xe bồn.
Với cách cũ, để nạp xăng dầu cho một chiếc Boeing B777 (117.000 lít) cần 3 xe bồn (dung tích khoảng 38.000 lít/xe) trong thời gian 90 phút, thì với hệ thống ngầm sẽ chỉ mất 20 phút.
Trao đổi trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Tấn Lực, Giám đốc Tapetco (đơn vị thành viên của SASCO) cho biết, đơn vị là chủ đầu tư này đã xây dựng hệ thống kho với 3 bồn chứa 9.000m3 dầu Jet A-1 cùng với hệ thống ống ngầm dẫn nhiên liệu vào khu vực sân đỗ của nhà ga quốc tế.
Tại đây có 20 hố van được lắp tại 10 vị trí bến đỗ. Với một xe chuyên dụng, nhân viên tra nạp sử dụng hệ thống ống để lắp nối miệng hố van trên mặt sân đỗ với thùng nhiên liệu của máy bay là có thể bơm nhiên liệu dễ dàng, an toàn, chính xác.
Cũng theo ông Lực, công trình tra nạp nhiên liệu ngầm được thiết kế tập trung vào việc bảo vệ môi trường với hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại. Nước thải sau xử lý phù hợp với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp của Việt Nam.
Việc hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm hoạt động tại ga quốc tế sẽ giúp hạn chế được khoảng 210 lượt xe bồn tra nạp nhiên liệu trong khu vực mỗi ngày và rút ngắn khoảng thời gian tra nạp là 82 giờ.
Như vậy, một năm sẽ giảm được 76.650 lượt xe tra nạp và tiết kiệm được 29.930 giờ đậu máy bay tại sân đậu. Cụ thể: trung bình, mỗi ngày tại 10 bến đỗ có cầu ống lồng của ga quốc tế có khoảng 70 - 75 lượt tra nạp nhiên liệu của các hãng hàng không.
Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh xăng dầu; b) Xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực; c) Sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa; d) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; đ) Làm giả hoặc sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu giả. 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Có cầu cảng nhưng không đúng quy định; b) Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu nhưng không đúng quy định; c) Có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không đúng quy định; d) Có hệ thống phân phối xăng dầu nhưng không đúng quy định; đ) Có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay nhưng không đúng quy định. 3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không có cầu cảng chuyên dụng; b) Không có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu; c) Không có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng; d) Không có hệ thống phân phối xăng dầu; đ) Không có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này; b) Tịch thu Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với vi phạm quy định tại Điểm c, Điểm đ Khoản 1 Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]htnh4vPRX0[/mecloud]