+Aa-
    Zalo

    Sân bay Tân Sơn Nhất: Ngập không đáng lo, kẹt xe mới kinh hoàng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Theo PGĐ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông không lo ngại tình trạng ngập nước bên trong khu vực sân đỗ mà sợ nhất khi “cứ trời mưa là kẹt xe.

    (ĐSPL) -Theo PGĐ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông không lo ngại tình trạng ngập nước bên trong khu vực sân đỗ mà sợ nhất khi “cứ trời mưa là kẹt xe kinh hoàng trên các đường ra, vào sân bay”.

    [mecloud]ALynKJCX3d[/mecloud]

    Đường đến sân bay hễ mưa là ngập

    Báo Người Lao Động đưa tin, liên quan tới việc nhiều máy bay không thể hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), chiều 3/11, ông Phạm Vũ Cường - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - khẳng định tình trạng ngập cục bộ do mưa lớn tại khu vực sân bay này đã được khắc phục.

    Trước đó, cơn mưa lớn kèm theo dông gió đã ảnh hưởng đến hoạt động cất - hạ cánh các chuyến bay ở Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Vietnam Airlines có ít nhất 22 chuyến bay bị ảnh hưởng và hàng loạt chuyến bay khác bị tác động dây chuyền. Việc vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực sân bay gặp khó khăn do mưa lớn gây ngập nước.

    Tình trạng ngập nặng tại sân bay Tân Sơn Nhất sau cơn mưa chiều 2/11. (Ảnh: Người Lao động)

    Theo ông Cường, các chuyến bay không thể hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vào chiều 2/11 là do mưa lớn kèm dông, tầm nhìn bị hạn chế chỉ còn 300 m trong khi tầm nhìn tối thiểu là từ 800 m chứ không phải do tình trạng ngập nước.

    “Còn một số hình ảnh bên trong khu vực sân đỗ máy bay có nước là do mưa lớn nước mặt tràn chỉ xăm xắp không ảnh hưởng đến an toàn bay và hoạt động của sân bay. Hoạt động khai thác của sân bay vẫn diễn ra bình thường. An toàn đối với ngành hàng không là tiêu chuẩn số 1, chỉ cần có một yếu tố không an toàn hoặc đe dọa an toàn bay là sẽ không được khai thác” - ông Cường khẳng định và cho biết hiện mương thoát nước chính của sân bay có 3 hướng thoát ra kênh Hy Vọng rồi đổ vào kênh Tham Lương nên tiêu thoát nước rất tốt. Khu đường băng, đường lăn và đường hạ cất cánh không ảnh hưởng, nếu tầm nhìn cho phép thì máy bay vẫn cất hạ cánh an toàn.

    Vị lãnh đạo sân bay này cũng chia sẻ rằng ông không lo ngại tình trạng ngập nước bên trong khu vực sân đỗ mà sợ nhất khi  “cứ trời mưa là kẹt xe trên các đường ra, vào sân bay”.

    Cũng theo ông Cường, tình trạng kẹt xe khủng khiếp quanh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được báo động từ nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.

    Đường vào sân bay luôn trong tình trạng kẹt cứng khi có mưa. 

    Đường Hồng Hà, Bạch Đằng ngập sâu khi trời mưa, quanh khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ cũng ngập nặng, đường Trường Sơn thì có thể kẹt xe bất cứ lúc nào dù ngành giao thông TP đã ra quân khắc phục những điểm có thể gây kẹt nhưng do lượng xe lưu thông quá đông nên chưa khắc phục được.

    “Không sợ ngập trong sân bay, mà sợ kẹt xe vì khách không đến thì không thể bay được, các hãng cũng đang đau đầu chuyện này” - ông Cường nói thêm.

    Việc ùn tắc giao thông trước cửa ngõ sân bay ngày càng tăng là tất yếu.

    Tin tức từ Trí Thức Trẻ, trong báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP.HCM về nguy cơ ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay, ông Phạm Vũ Cường - phó giám đốc Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – nhấn mạnh: trong 8 tháng đầu năm 2015 có hơn 17,5 triệu lượt khách đến sân bay (tăng 18,3\% so với cùng kỳ 2014), vận chuyển 282.044 tấn hàng hóa (tăng 7,4\%),

    Dự kiến đến cuối năm 2015 số lượng hành khách đến sân bay sẽ vượt qua con số 25 triệu hành khách. Với số lượng hành khách đi lại sân bay ngày càng tăng, nghĩa là mật độ xe cộ vào sân bay càng tăng, nguy cơ ùn tắc giao thông trước cửa ngõ sân bay ngày càng tăng là tất yếu.

    Thực tế cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay, đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm, đặc biệt tình trạng ùn tắc kinh hoàng nhất là sau những cơn mưa lớn khiến các tuyến đường dẫn vào sân bay bị ngập nặng.

    Trước tình trạng này, rất nhiều hành khách lo ngại nguy cơ trễ giờ bay do kẹt xe, nhiều người đã phải khởi hành từ nhà trước giờ bay đến 3 tiếng để "trừ hao" thời gian xe taxi bị chôn chân tại chỗ ở các điểm nóng kẹt xe.


    Cụ thể, hành khách từ Q. Tân Phú đến khu vực sân bay phải qua được ba điểm nóng kẹt xe: đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và vòng xoay Lăng Cha Cả (giữa các điểm nóng này là ngã tư Bảy Hiền cũng khá nóng).

    Còn xe đi từ Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp phải qua "cửa ải" đáng sợ ngã sáu Gò Vấp - 1 trong 24 điểm nóng, sau đó đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn rồi đến đường Hồng Hà, đến cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Trường Sơn thì xe thường phải xếp hàng dài chờ đèn tín hiệu giao thông, thoát qua “cửa ải” này thì các hành khách mới thở phào nhẹ nhõm.

    Khi đề cập tới vấn đề kẹt xe đường đến sân bay, Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở đường ra vào sân bay, đồng thời cho biết các tuyến đường lân cận sân bay như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng và khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, lăng Cha Cả rất hay bị ùn ứ xe.

    Theo lãnh đạo Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, nguyên nhân chính là do mật độ xe ra vào sân bay nhiều. Cụ thể trong năm 2014, mỗi ngày có khoảng 22.000 lượt ôtô, 7.000 lượt xe máy ra vào. Đó là chưa kể số lượng xe của đơn vị hoạt động tại sân bay và xe cá nhân của khoảng 10.000 nhân viên làm việc tại sân bay.

    Được biết, nhằm giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết thực hiện quy hoạch tổng thể giao thông kết nối với tuyến đường ra vào sân bay, việc xây dựng các tuyến đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng đang được tiến hành, trong tương lai gần sẽ bố trí tuyến metro số 4 kết nối vào sân bay.

    Sở sẽ thường xuyên theo dõi, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông Trường Sơn - Hồng Hà; nghiên cứu hạn chế một số loại xe vào đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn) sau khi thông xe đoạn đường này; nghiên cứu tăng khả năng thông hành trên đường Hoàng Minh Giám và đường Phổ Quang; cải tạo vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trần Quốc Hoàn - Lê Văn Sỹ...

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem them video tin tức:

    [mecloud]UJKwR2kVRY[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-bay-tan-son-nhat-ngap-khong-dang-lo-ket-xe-moi-kinh-hoang-a117938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.