+Aa-
    Zalo

    Sài thành kim cổ ký: Thẳng như... kênh Ruột Ngựa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời trước có rất nhiều thế lực ngoại bang dòm ngó và không ít lần các thế lực này đã tiến đánh, hòng chiếm Sài Gòn.

    Thời trước có rất nhiều thế lực ngoại bang dòm ngó và không ít lần các thế lực này đã tiến đánh, hòng chiếm Sài Gòn. Để bảo toàn lãnh thổ và mở rộng phương Nam, chúa Nguyễn đã sai Nguyễn Cửu Đàm nghiên cứu cách để phòng thủ cho khu vực Sài Gòn.

    Thấy được sự lợi hại của các dòng kênh, Nguyễn Cửu Đàm đã tiến hành cho đào một con kênh mà về sau gọi là Ruột Ngựa. Kênh Ruột Ngựa được Nguyễn Cửu Đàm xây dựng năm 1772.

    Sở dĩ có cái tên là Ruột Ngựa là vì con kênh này chạy thẳng như ruột của con ngựa vậy. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì “nguyên xưa, từ cửa Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được. Mùa thu năm Nhâm Thìn (1772) Nguyễn Cửu Đàm cho đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt ra tên ấy...”.

    Thời ấy, giao thông đường bộ còn chưa phát triển, việc đi lại bằng đường thủy trở nên phổ biến. Khi đoạn kênh này được đào xong đã giúp cho thuyền bè đi lại vô cùng dễ dàng, đặc biệt là đã khơi thông được con đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn và miền Tây.

    Tuy nhiên, mục đích chính của việc khơi thông con kênh này chính là biến nó trở thành một hệ thống phòng thủ bằng sông nước bao quanh Sài Gòn. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp cũng có dự án mở rộng hệ thống kênh này và cho đào nhiều đoạn để nối lên các dòng kênh, rạch khác nhằm biến Sài Gòn trở thành một bán đảo. Nếu thực hiện xong thì nó sẽ ôm trọn các khu vực như quận 10, 11 và Tân Bình ngày nay. Tuy nhiên, dự án này đã bị ngăn lại. Chính vì vậy, hiện nay, còn một số kênh đứt đoạn như Tân Hóa – Lò Gốm.

    Bên cạnh con kênh Ruột Ngựa, Nguyễn Cửu Đàm còn cho xây một lũy bằng đất gọi là Lũy Bán Bích. Sở dĩ có tên là Lũy Bán Bích (tên chữ là Bán Bích cổ lũy) vì nó có hình giống mặt trăng xếp, chỉ nửa vách lũy thôi nên có tên là Bán Bích.

    Lũy dài khoảng 8,5km, bao quanh đồn dinh để đề phòng bất trắc. Khi hoàn thành, Sài Gòn sẽ trở nên biệt lập như một bán đảo với ba mặt nước (hệ thống kênh rạch, trong đó có kênh Ruột Ngựa) và một mặt thành.

    Việc tạo ra thế trận phòng thủ theo kiểu bọc bao quanh này cùng với việc xây dựng những đồn bố phòng ở những nơi hiểm yếu, thành phố này trở nên an toàn, như chính ông nói “không còn sợ gì bất trắc nữa”. Sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định đã biến Lũy Bán Bích thành một con đường, lúc ấy gọi là Hương lộ 14. Đến năm 1999, UBND TP.HCM quyết định lấy tên Lũy Bán Bích để đặt tên, thay cho Hương lộ 14.

    Về Nguyễn Cửu Đàm, ông là con thứ năm của Nguyễn Cửu Vân (thời chúa Nguyễn Phúc Thuần). Ông là một danh tướng, danh điền dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Nguyễn Cửu Đàm được đánh giá là một vị tướng tài, một nhà quy hoạch lớn. Theo sử chép lại, Nguyễn Cửu Đàm được ghi nhận là nhà quy hoạch Sài Gòn đầu tiên khi khép kín thành phố bằng ba mặt nước và một mặt thành, tạo nên thế thống nhất về địa lý kinh tế, xã hội và quốc phòng. Những công trình này cũng đưa ông trở thành một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thành phố Sài Gòn về sau này.

    THANH TÙNG
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 98 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-thanh-kim-co-ky-thang-nhu-kenh-ruot-ngua-a240889.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan