Theo nhận định của các chuyên gia, để đạt hiệu quả cao, cần nhìn nhận lại và đưa ra đánh giá chính xác trước khi quyết định tiếp tục thực hiện kỳ thi "hai trong một" hay không.
Liên quan đến hàng loạt sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Qua vụ tiêu cực trong kỳ thi THPT xảy ra tại Hà Giang, Sơn La và nghi vấn tại một số địa phương khác cho thấy còn khá nhiều bất cập trong công tác giáo dục. Từ đây, để quản lý hiệu quả hơn, chúng ta cần nhìn nhận lại và đưa ra đánh giá chính xác trước khi quyết định tiếp tục thực hiện kỳ thi "hai trong một" này hay trở lại kỳ thi tuyển sinh đại học riêng như trước đây.
Theo luật sư Cường, đánh giá mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học) thì rõ ràng là rất khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá năng lực "phổ thông" của học sinh. Tính nghiêm túc, minh bạch của kỳ thi này là chưa cao.
Thực tế nhiều năm qua, chuyện chép bài, ném bài, nhắc bài, thậm chí nâng điểm vẫn diễn ra tại kỳ thi tốt nghiệp này. Nguyên nhân xuất phát từ những mối quan hệ quen biết, nể nang, tính chất của kỳ thi chỉ để … có bằng chứng nhận trình độ "phổ thông", nên nhiều người, kể cả những người quản lý không quá khắt khe đối với kỳ thi được tổ chức tại địa phương mình.
Còn đối với kỳ thi tuyển sinh vào đại học thì từ trước tới nay được tổ chức hết sức nghiêm túc, chuyện tiêu cực rất hạn hữu, khi phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm minh. Giữa người thi và người coi thi, chấm thi, lên điểm thường không biết nhau. Bài thi phải rọc phách, nên khó phát hiện bài thi nào, của ai, có sự giám sát chặt chẽ nên tiêu cực ít khi xảy ra. Kỳ thi này là tuyển chọn, đấu đá nên các thí sinh cũng không cho nhau chép bài, giám thị cũng không có lý do gì để nhắc bài, không ai có thể "ném bài", việc chấm bài đã rọc phách, không có sự quen biết giữa thí sinh và người chấm thi nên việc thực hiện nhiệm vụ sẽ khách quan hơn rất nhiều.
Còn khi gộp hai kỳ thi này với nhau thì có rất nhiều lý do khiến kết quả tuyển chọn vào đại học không còn được chất lượng như trước đây. Luật sư Cường nói: “Gộp hai kỳ thi thành một, cả nước chung một đề thi, việc tổ chức tại địa phương là không sai. Tuy nhiên tổ chức thi tại địa phương dẫn đến hiện tượng các học sinh quen biết nhau nên việc nhìn bài, chép bài sẽ dễ xảy ra hơn.
Thứ hai, mối quan hệ quen biết, nể nang giữa giám thị và thí sinh dẫn đến việc coi thi không khách quan, dễ dẫn đến tiêu cực. Thứ ba, chuyện "ném bài", can thiệp từ bên ngoài vào phòng thi vẫn còn xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ tư, thành phần hội đồng thi có đại diện địa phương, vì thành tích, mối quan hệ quen biết nên họ sẵn sàng làm sai. Chưa kể, việc thi trắc nghiệm không rọc phách rất dễ lộ bài thi, biết rõ bài thi của ai. Việc lên điểm, vào điểm, công bố điểm còn thiếu sự giám sát chặt chẽ, khoa học...
Tất cả những vấn đề này khiến kỳ thi "hai trong một" trở nên lộn xộn, "bát nháo", khiến kỳ thi thiếu nghiêm túc, thiếu công bằng và gây bức xúc trong dư luận”.
Theo quan điểm của luật sư Cường, vẫn biết rằng thi cử thường có tiêu cực, thí sinh gian lận, không tự giác làm bài nên mới sinh ra ban giám thị. Để người chấm bài công minh mới cần có cả một hội đồng thi; phải rọc phách, cách ly người ra đề... Tất cả để có một kỳ thi nghiêm túc, một kết quả thi công bằng, đặc biệt là trong kỳ thi có đối kháng, có tuyển chọn.
Chính vì tầm quan trọng của kỳ thi quốc gia mà các thông tin, tài liệu, đề thi, điểm thi... về kỳ thi quốc gia mới được xác định là tài liệu "mật", "tối mật" theo quy định tại Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 11/2017/TT-BCA của bộ Công an. Theo đó, người nào làm lộ các bí mật này sẽ bị khởi tố hình sự về tội Làm lộ bí mật Nhà nước.
Theo khoản 5, Điều 1, Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg thì Danh mục bí mật Nhà nước độ "tối mật" trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau: "Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố".
Tại Thông tư 11/2017/TT-BCA cũng quy định Danh mục bí mật Nhà nước độ "mật" trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu trong phạm vi sau: "Phương án sắp xếp thí sinh trong phòng thi, mã số phách bài thi và các tài liệu liên quan kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố."
“Kỳ thi quốc gia sẽ tác động trực tiếp tới nguồn nhân lực, tới chất lượng lao động, tới việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài... Vì vậy, việc gian lận trong kỳ thi quốc gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai, vận mệnh của đất nước. Gian lận xảy ra với các thí sinh cần phải có sự phát hiện, xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng. Trong công tác quản lý giáo dục, cơ quan Nhà nước, Hội đồng thi lại chính là những người vi phạm thì không còn chỗ để người dân gửi gắm niềm tin”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Tiêu cực trong thi cử là mầm mống phát sinh ra những tiêu cực trong tương lai, trong các ngành nghề, lĩnh vực khác... Vì vậy, Bộ luật Hình sự hiện hành năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 cũng có nhiều quy định để xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này. Các hành vi sai phạm của hội đồng thi, của những người có chức vụ, có thẩm quyền đối với kỳ thi quốc gia này tùy vào từng hành vi cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và hậu quả xảy ra mà những người vi phạm sẽ bị xử lý về một trong số các tội danh như: Tội Làm lộ bí mật của Nhà nước; tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội Nhận hối lộ...
Với sự phản ánh của báo chí, của các phụ huynh, học sinh trong thời gian qua thì Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã cho rà soát, kiểm tra việc tổ chức thi và kết quả thi của toàn bộ 63 tỉnh thành trong cả nước, đây là tín hiệu ban đầu đáng mừng, thể hiện quyết tâm của Bộ trong việc xử lý nghiêm các sai phạm, lấy lại niềm tin của người dân với kỳ thi quốc gia này.
Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra cũng cần đảm bảo kịp thời, công minh để phát hiện và xử lý nghiêm minh những sai phạm, những sai phạm đến mức xử lý hình sự thì cần xử lý ngay, không nể nang, không có vùng cấm.
Từ những nhận định, phân tích nêu trên, luật sư Cường cho rằng: “Sau khi có kết quả tổng hợp, đúng đắn, chính xác về kỳ thi "hai trong một" này thì cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu cần có những đánh giá khoa học, đúng đắn nhất để quyết định tách hai kỳ thi này hay tiếp tục tổ chức "hai trong một" để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Theo Người Đưa Tin