+Aa-
    Zalo

    Sai phạm cấp chứng chỉ ISO (Kỳ 2): Nhan nhản các tổ chức cấp chứng chỉ “Vượt biên”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc cấp chứng chỉ ISO “vượt biên” không chỉ được các Tổ chức trong nước làm liều mà các Tổ chức quốc tế cũng vi phạm.

    Việc cấp chứng chỉ ISO “vượt biên” không chỉ được các tổ chức trong nước "làm liều" mà các tổ chức quốc tế cũng vi phạm.

    “Bát nháo” trong hoạt động cấp chứng nhận không phải mới có mà mà diễn ra từ nhiều năm nay. Do nhu cầu cạnh tranh, các doanh nghiệp ngày càng tìm đến các loại chứng chỉ như ISO 9001, ISO 14000, ISO 22000... Đây là một trong những chứng chỉ được các doanh nghiệp đặc biệt yêu thích vì nhanh chóng gán cho sản phẩm của mình có “chất lượng Quốc tế”.

    Có cầu ắt có cung, doanh nghiệp nở rộ thì tổ chức chứng nhận cũng nở rộ không kém. Tính tới thời điểm này có 43 tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoạt động chứng nhận theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và 95 Tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo quy định tại Thông tư số  8/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 và Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ (cập nhật đến ngày 30/6/2016 - Nguồn từ Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng Việt Nam - TĐC).

    Đối với mỗi tổ chức chứng nhận đều có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực kèm theo quyết định từ TĐC, trong đó ghi rõ phạm vi chứng nhận mà các tổ chức chứng nhận được phép đánh giá, chứng nhận.

    Chứng nhận khi không được phép

    Tiêu biểu trong sai phạm dạng này là vượt quyền quyết định từ phía TĐC. Cụ thể, Trung tâm Ứng dụng Tiêu chuẩn Chất lượng (QUASTA-CE) có địa chỉ tại P.508 tầng 5 tòa nhà V.E.T, số 98 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Trong cấp phép hoạt động từ TĐC, đơn vị này chỉ được phép chứng nhận ISO 9001/TCVN ISO 9001; Chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tại website và hồ sơ năng lực của đơn vị này cung cấp rất nhiều dịch vụ “vượt biên”: Đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn: ISO 9001; TCVN ISO 13485:2004; ISO 22000/HACCP; ISO 14001; OHSAS 18001:2007…

    Một trong những chứng nhận "vượt biên" của Trung tâm Ứng dụng Tiêu chuẩn cấp cho doanh nghiệp sai phạm.

    Theo tìm hiểu, Trung tâm Ứng dụng Tiêu chuẩn Chất lượng (GCN số 41/TĐC-HCHQ ngày 13/01/2015) chưa đăng ký hoạt động chứng nhận hệ thống HACCP/TCVN 5603 nhưng đơn vị này vô tư chứng nhận hệ thống này cho hàng chục doanh nghiệp khác.

    Mới đây nhất là cấp chứng nhận HACCP/TCVN 5603 cho Công Ty TNHH Sản Xuất, Dịch Vụ Và Thương Mại Bình An, tại Địa chỉ: Thôn Cốc Thôn, Xã Cam Thượng, Huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội.

    Trung tâm Ứng dụng Tiêu chuẩn Chất lượng còn ngang nhiên chứng nhận "vượt biên" cho hàng chục doanh nghiệp ở hiều ngành nghề khác nhau mà không bị cơ quan chức năng sờ gáy.

    Đây chỉ là một trong số doanh nghiệp mà đơn vị này cấp chứng nhận sai quy định. Theo hồ sơ năng lực, công ty này còn đóng dấu treo gửi cho khách hàng, trong đó đơn vị này đã chứng nhận “vượt biên” cho hàng chục doanh nghiệp như: Công ty xăng dầu B12( ISO 14000:2015), Xí nghiệp nước tinh khiết Hà Nội (ISO 22000:2005), Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Trí Dũng, Công ty CP Sản xuất và thương mại Q&T Việt Nam (ISO 22000:2005),...

    Tổ chức nước ngoài ở Việt Nam cũng vi phạm

    Không chỉ những tổ chức trong nước, các tổ chức chứng nhận nước ngoài cũng mau chóng bắt nhịp cung cấp dịch vụ chứng nhận tại Việt Nam. Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều tổ chức Quốc tế hoạt động đúng theo quy định cũng như luật pháp tại Việt Nam nhưng vẫn có trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Ví dụ, một số Tổ chức Chứng nhận Quốc tế có sự nhầm lẫn giữa hoạt động công nhận và chứng nhận.

    Hoạt động công nhận giữa các tổ chức với nhau được thực hiện từ nhiều năm nay nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đa quốc gia, các tổ chức công nhận đa quốc gia. Nhưng một số Tổ chức chứng nhận thành lập chi nhánh tại Việt Nam đăng ký hoạt động khoa học công nghệ với TĐC ngang nhiên chứng nhận dù chưa có quyết định.

    Tổ chức quốc tế ICA Việt Nam cũng cấp chứng nhận cho nhiều doanh nghiệp trong khi đơn vị này chỉ được công nhận theo Nghị định 107 của Chính phủ.

    Cụ thể, Tổ chức chứng nhận ICA Việt Nam được thành lập năm 2009, địa chỉ tại P2003, TN Euro Window, số 27 Trần Duy Hưng, Hà Nội). Theo thông tin từ TĐC, ICA Việt Nam chỉ được phép công nhận chứ không được phép chứng nhận Hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001;TCVN ISO 14001; TCVN ISO 22000 (GCN số 2688/TĐC-HCHQ ngày 24/10/2017).

    Tuy nhiên, trước thời điểm đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận (ngày 24/10/2017) ICA Việt Nam đã tiến hành đánh giá và chứng nhận cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

    Năm 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam đã tiến hành thanh tra một loạt các tổ chức đánh giá sự phù hợp, xử lý nghiêm các tổ chức có hành vi vi phạm. Trong đó, Công ty Cổ phần Chứng nhận Globalcert có hành vi vi phạm: thực hiện đánh giá, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho khách hàng ngoài lĩnh vực đã đăng ký đã bị xử phạt vi vi hành chính 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt chứng nhận 1 tháng;

    Công ty TNHH United Registrar Of Systems Việt Nam có hành vi vi phạm thực hiện đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và hệ thống quản lý An toàn thực phẩm HACCP cho khách hàng khi chưa thực hiện đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy đã bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng, chưa phát hiện vi phạm về việc cấp giấy chứng nhận mà không qua kiểm tra, đánh giá hoặc chuyên gia đánh giá không có trình độ chuyên môn.

    Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc thanh tra, kiểm tra từ phía Tổng cục đã thật sự sâu sát hay chưa? Tại sao hơn 100 Tổ chức chứng nhận hoạt động như vậy nhưng chỉ phát hiện ra 2 trường hợp nêu trên?

    Trước đó, năm 2016, báo chí đã “phanh phui” về việc Công ty CP Quản lý Quatech Việt Nam (gọi tắt là Công ty Quatech) có dấu hiệu vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận hệ thống chất lượng nhưng chưa đăng ký hoạt động chứng nhận tại cơ quan có thẩm quyền. Vi phạm rõ ràng như vậy thì đương nhiên các cơ quan quản lý dễ dàng kiểm tra và xử lý. Nhưng với những hoạt động chứng nhận sai phạm tinh vi hơn thì TĐC sẽ xử lý như thế nào? 

    Kỳ 3: Cấp chứng chỉ ISO vượt biên ai chịu trách nhiệm?

    Nhóm Phóng viên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-pham-cap-chung-chi-iso-ky-2-nhan-nhan-cac-to-chuc-cap-chung-chi-vuot-bien-a221488.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan