+Aa-
    Zalo

    Sài Gòn ngày tháng Tư lịch sử qua ngòi bút của nhà báo quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Thời điểm quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đánh dấu sự thất bại nặng nề nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ”, thông tin từ thực địa...

    “Thời điểm quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đánh dấu sự thất bại nặng nề nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ”, thông tin từ thực địa của phóng viên chiến trường Martin Woollacott gửi về tòa soạn báo The Guardian đúng ngày này 43 năm trước.

    Ngày giải phóng Sài Gòn 43 năm trước là thời điểm cựu phóng viên quốc tế Martin Woollacott cùng nhiều đồng nghiệp khác đang có mặt tại Việt Nam. Ông cùng các phóng viên chiến trường khi đó đã được chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra vào ngày lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

    Xe tăng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

    Trong báo cáo gửi về tòa soạn báo The Guardian, nhà báo Woollacott viết: “Một ngày sau khi quân giải phóng miền Nam giành quyền kiểm soát Sài Gòn, thành phố được đánh thức bởi một khúc khải hoàn. Công việc đó đã được chuẩn bị từ trong đêm, cho tới khoảng 5 giờ sáng, những giai điệu giải phóng không ngừng vang lên trên những con phố Sài Gòn.

    Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những ánh nắng sớm rực rỡ thắp bừng lên những con phố vắng lặng của thành phố Sài Gòn. Sau sự trống vắng khác thường của Sài Gòn là tâm trạng dường như lúng túng của nhiều người. Hầu như không ai biết phải làm gì: Liệu có nên đi làm hay không? Chợ búa ngày này có gì để mua bán không? Cây xăng có mở cửa không? Và những cuộc giao tranh còn tiếp diễn không? Thói quen hàng ngày của Sài Gòn đã hoàn toàn bị đảo lộn”.

    Khi đó, dù Sài Gòn rúng động trước đạn pháo song mọi người đều cảm thấy rằng những điều tồi tệ nhất của chiến tranh đã qua đi. Và trên thực tế, khi những giai điệu giải phóng vang vọng trên những con phố, ngõ hẻm thì người Sài Gòn càng cảm thấy rõ rệt hơn rằng ngày giải phóng thực sự đã đến rồi.

    “Ở trung tâm thành phố, người ta lo sợ về tình trạng cướp bóc, hỗn loạn và vô pháp luật. Hôm đó, tôi và phóng viên Stewart Dalby của Thời báo Tài chính đi dọc đường Tự Do, một trong những con phố lớn của Sài Gòn. Một người đàn ông khi đó đã chặn đường chúng tôi. Người đàn ông chỉ vào phần eo của mình, ra dấu về khẩu súng, và sau đó lấy chiếc máy ảnh đắt tiền mà Dalby đang đeo trên cổ. Những vụ việc như vậy khiến ai cũng có niềm tin rằng những người cộng sản càng sớm nắm quyền kiểm soát đất nước càng tốt”, nhà báo Woollacott tả lại.

    Vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, không có bóng dáng người Mỹ nào trong Đại sứ quán kiên cố của họ trên Đại lộ Thống Nhất. Tất cả những gì còn lại chỉ là những mảnh vụn từ cuộc di tản hỗn loạn của ngày hôm trước. Cũng chằng còn ai ở trong tòa thị chính nhỏ được trang trí công phu, ông Woollacott viết.

    Cảnh tượng rút chạy của người Mỹ và đồng minh trên nóc một tòa nhà cách sứ quán Mỹ không xa.

    Việc các sĩ quan Mỹ buộc phải dời khỏi Sài Gòn chắc chắn là một trong những sự lựa chọn đau đớn nhất của họ. Một ngày trước khi Sài Gòn được giải phóng, từ trên mái của khách sạn Caravelle, tôi và các phóng viên khác đã theo dõi một hàng dài những người Mỹ đang chờ đợi trong tuyệt vọng trên một đỉnh tòa nhà gần đó để leo lên trực thăng trở về nước. Đó thực sự là một thảm kịch, nó diễn ra một cách chậm chạp, câm nín, và khi tiếng quay của cánh quạt trực thăng dần biến mất cũng là lúc người ta biết rằng đó là chiếc máy bay cuối cùng mang người Mỹ về đất nước họ. Tại Đại sứ quán Mỹ, sự tuyệt vọng bao trùm toàn bộ không khí câm lặng lúc ấy, phóng viên Woollacott khi đó mô tả.

    “Trên đường phố có rất nhiều những người lính, mà sau đó chúng tôi biết rằng họ được gọi là “bộ đội”, mặc những bộ đồng phục màu xanh lá cây và đội những chiếc mũ cối bảo hộ trông khá lạc hậu. Nhìn họ rất nhẹ nhõm, vì chiến tranh đã kết thúc, và họ trở thành một phần của chiến thắng vĩ đại này”, ông miêu tả. 

    Bộ đội được huấn luyện rất kỹ lưỡng. Khi một số kẻ địch khai hỏa, nhắm bắn vào lực lượng quân đội Việt Nam ở khu công viên giữa Dinh Độc Lập và Nhà thờ Đức Bà, các nhà báo đã thấy sự phản ứng gần như tức thời của những người bộ đội. Họ triển khai đội hình gần như ngay lập tức, dù một phút trước đó họ đang hút thuốc, nhưng sau đó đã bắn trả một cách thận trọng, khôn ngoan, trong khi tổ đội khác dàn quân đánh lấn vào sườn quân địch.

    “Điều đó cho thấy rằng đã không còn chiến tranh du kích với trang bị thô sơ mà thay vào đó quân đội Việt Nam tiến vào Sài Gòn với một đội quân chính quy, kỷ luật và hiện đại hơn nhiều”, nhà báo Martin Woollacott kết luận.

    Danh Tuyên/Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-gon-ngay-thang-tu-lich-su-qua-ngoi-but-cua-nha-bao-quoc-te-a227993.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan