Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc hôm qua (18/3) đã công bố Sách Trắng về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cũng như tình hình nhân quyền tại khu trị Tân Cương, phía Tây Bắc nước này.
Cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc luyện tập tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương. Ảnh: Getty |
Nội dung Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống lại mọi thức khủng bố và cực đoan, không ngừng đấu tranh, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, chống mọi hành vi ủng hộ khủng bố và cực đoan, cũng như bất kỳ hành động nào liên quan đến việc tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động khủng bố, hoặc xâm phạm quyền con người của các công dân.
Sách Trắng cho hay, kể từ năm 2014, Tân Cương đã “phá hủy 1.588 nhóm khủng bố và bạo lực, bắt giữ 12.995 người, thu giữ 2.052 thiết bị nổ, trừng phạt 30.645 người vì các hành vi tôn giáo trái phép, và tịch thu 345.229 bản sao các tài tiệu tôn giáo trái phép”.
Nhiều đối tượng đã chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật chẳng hạn như những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố, trong khi những đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan đã được giáo dục và đào tạo để hối cải về tội lỗi của họ.
Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của những biện pháp ngăn ngừa, kêu gọi tăng cường trao đổi và hợp tác quốc tế về chủ nghĩa khủng bố.
Sách Trắng nói, Tân Cương đã đối mặt với thách thức đặc biệt kể từ các vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, khi các phần tử cực đoan Đông Turkestan gia tăng các hoạt động tại Trung Quốc, liên hệ tới cụm từ mà Trung Quốc sử dụng cho các phần tử ly khai và cực đoan mà nước này nói hoạt động tại Tân Cương.
Các vũ khí mà chính phủ Trung Quốc nói là thu giữ từ các phần tử cực đoan tại Tân Cương. Ảnh: Reuters. |
Sách Trắng được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế về việc thiết lập các cơ sở mà các chuyên gia Liên Hợp Quốc miêu tả là các trung tâm giam giữ tập trung hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo khác tại Tân Cương. Bắc Kinh nói cần các biện pháp để ngăn chặn mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo, và gọi đó là các trung tâm huấn luyện hướng nghiệp.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hồi tuần trước tuyên bố các trại cải huấn mà truyền thông phương Tây đề cập thực chất là trường nghề và cơ sở đào tạo. Ông cho rằng nhờ những trung tâm đào tạo này, Tân Cương từ một khu vực chứng kiến hàng nghìn vụ tấn công khủng bố trong thập niên 1990 đã trở nên yên bình trong 27 tháng qua.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)