Theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập trên cơ sở cải tổ Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Chính phủ Lâm thời có 13 Bộ và 15 vị Bộ trưởng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và có nhiệm vụ giữ vững tự do độc lập và cải tạo, kiến thiết đất nước sau bao năm bị giặc tàn phá.
Để củng cố, đảm bảo an ninh quốc phòng trong những ngày đầu thành lập Chính phủ và bảo đảm an toàn cho buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập và lễ ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 1/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ban hành Sắc lệnh số 3 về việc thiết quân luật ở Hà Nội.
Tại Điều 2, Sắc lệnh quy định “a) Từ mười hai giờ đêm đến sáu giờ sáng, không ai được đi lại trong các phố, trừ những người có giấy phép. b) Không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép. c) Ai phạm đến tính mệnh tài sản của nhân dân sẽ phải đem xử theo quân luật”[1].
Sắc lệnh với 3 điều ngắn gọn nhưng đã góp phần tạo nên sự thành công của buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945.
Đây cũng là một trong 30 Sắc lệnh mà đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký trong khoảng thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (28/8/1945-02/3/1946).
Đến ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 22 về việc thay đổi đoạn a Điều thứ 2 của Sắc lệnh số 3 như sau: “Nhân dân được đi lại ban đêm trong thành phố như thường”[2].
-----------------
Chú thích:
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 02.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 24.
(Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ
Link gốc: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/van-ban-dac-biet-gop-phan-tao-nen-thanh-cong-cua-le-tuyen-ngon-doc-lap-2-9-1945-119220902081740036.htm