Nhiều người cho rằng thuốc đông y, cụ thể là thuốc bắc có tính lành, giúp bổ sung sinh lực tốt cho sức khỏe, nên có khi mua một lúc hàng chục thang thuốc để sắc uống dần. Việc bảo quản loại thuốc này đa số chọn cách trữ thuốc trong tủ lạnh. Theo các lương y, chuyên gia, cách bảo quản thuốc đông y như vậy là không khoa học, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, gây hại sức khỏe.
Thuốc bắc để tủ lạnh dễ nhiễm khuẩn, nấm mốc
Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, thuốc bắc là một dạng như thực phẩm khi để trong tủ lạnh lâu ngày đều có nguy cơ bị nấm mốc nhiễm khuẩn. Môi trường tủ lạnh không hoàn toàn vô trùng. Ở đó vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc tạm thời không phát triển, nhưng gặp điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ phát triển rất nhanh. Còn với nấm mốc, sẽ sinh độc tố khi nhiễm vào thực phẩm thì tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Khi thuốc đã nhiễm mốc dù có đun nấu ở nhiệt độ cao thì độc chất của nấm mốc cũng không bị phân hủy, có nhiều loại độc chất nấm mốc ở điều kiện nhất định lại sinh ra loại độc tố mạnh hơn. Quan niệm thuốc bắc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, không có tác dụng phụ nên nhiều trường hợp sử dụng thuốc bắc sai lầm như dùng quá liều, để quá lâu. Thuốc đông y là dạng thuốc thang, cắt bao nhiêu thang và bảo quản thế nào thì thầy thuốc phải có trách nhiệm chỉ dẫn rõ ràng.
Thuốc bắc một lần bốc thuốc chỉ được cắt uống không quá 5 ngày, bảo quản bằng cách để nơi thoáng mát. Những năm trước đây nhiều vùng quê người dân đem treo thuốc bắc, thuốc lá ở nơi khô ráo. Nhưng hiện nay thuốc bắc được bốc vô tội vạ, nhất là thuốc bổ. Nếu không có kiến thức khoa học về sử dụng và bảo quản thuốc bắc trước và sau khi sắc uống thì người bệnh đều có thể bị đủ loại bệnh phát sinh từ nhiễm nấm mốc, vi sinh, vi khuẩn, dối loạn tiêu hóa…
Thuốc đông y dù là thuốc bổ hay thuốc bệnh đều phải tuân thủ nguyên tắc sắc uống và bảo quản. Đặc biệt, sau khi sắc thuốc mà để trong tủ lạnh trữ cả ngày sẽ làm mất hoạt chất, tinh dầu của thuốc. Một số tinh dầu, hoạt chất của thuốc cần uống ấm, nóng vào cơ thể.
Cắt thuốc bắc tại một tiệm bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc ở TP.HCM |
Rước thêm bệnh vì bảo quản thuốc bắc sai cách
Liên hệ với nhà thuốc y học cổ truyền N.A, chuyên mua bán đông nam dược liệu trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, Q.5, TP.HCM, phóng viên hỏi mua thuốc bắc cho người thân bồi bổ sức khỏe, chủ nhà thuốc tên T. tư vấn: “Nếu mua thuốc bắc vị bổ dưỡng gửi đi xa thì nên mua khoảng 20 thang/lần, giá 45.000đ/thang, một thang khoảng 10-12 vị, thuốc bắc có một số vị ướt để chống mốc thì cứ nhét vào tủ lạnh là đảm bảo dùng được lâu”.
Tại Thị trấn Long Thành (Đồng Nai), khu bán thuốc đông y các tiệm thuốc bắc mọc san sát, bà Đặng Thị Hiền ngụ Nhơn Trạch (Đồng Nai) mua một lần vài chục thang thuốc bắc đựng trong các túi nilong. Bà Hiền cho biết: “Vì không có thời gian đi cắt thuốc nên mỗi lần lên thị trấn lấy thuốc sắc, tôi thường nhờ thầy cắt khoảng 20 thang về bỏ tủ lạnh sắc uống dần”. Chị Hà Thu Hằng ngụ quận Gò Vấp thì cho biết: “Tôi bị mất ngủ, ăn uống kém, mẹ tôi hay gửi thuốc bắc từ quê Nam Định vào cho tôi sắc uống. Có lần mẹ gửi đến 30 thang thuốc bắc. Để bảo quản thuốc sắc uống dần tôi cũng chỉ biết cách bỏ ngăn mát tủ lạnh”.
Trong thuốc bắc vị ý dĩ, hạt sen dễ bị mọt, mốc. Long nhãn, táo tàu độ ẩm cao nhanh hỏng |
TS Võ Văn Năm, phó trưởng Bộ môn Dược liệu, trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng, trong một số vị của thuốc bắc như ý dĩ, hạt sen rất dễ bị mọt, mốc. Long nhãn, táo tàu độ ẩm cao sẽ nhanh hỏng, câu khỉ để lâu bị chảy nước, nếu bỏ vào tủ lạnh trữ lâu ngày thì càng dễ mốc hỏng. Ngoài ra, dược liệu bổ thường được sao mật, đường, mật mía do đó nếu để lâu sẽ bị phân hủy chảy nước.
Dùng thuốc đông y người bệnh hay có quan niệm “chọn thầy có tay bốc thuốc” nên mới có những trường hợp lặn lội từ xa xôi tới tận nơi thầy mát tay bốc thuốc kê đơn, vì vậy họ hay mua nhiều trong một lần cắt thuốc, nhưng lại không hiểu cơ bản về dùng và bảo quản thuốc đông y. Thuốc đông y thường là loại đã được sao, phơi khô, không nên bỏ vào tủ lạnh, chỉ cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát là được.
"Không nên cắt hàng chục thang thuốc/lần, dù đó là thuốc bổ hay thuốc bệnh. Việc cắt nhiều thang thuốc một lúc để uống dần là không khoa học. Thuốc cắt thang tốt nhất là sắc ngay sau bốc thuốc và uống ngay sau khi sắc. Ngoài ra, bao bì gói thuốc cũng phải đảm bảo an toàn sức khỏe, tuyệt đối không nên gói trực tiếp thuốc bằng giấy báo tờ, trước khi sắc uống phải rửa sạch thuốc. Người bệnh dùng thuốc bắc hiệu quả còn phụ thuộc vào cái tâm chỉ dẫn của người thầy thuốc", TS Võ Văn Năm, ĐH Y Dược TP.HCM |