"Bàn chân voi" là hệ quả của một trong những vụ rò rỉ phóng xạ kinh hoàng nhất trong lịch. Ngay cả việc nhìn vào vật thể này cũng có thể gây mất mạng. Các nhà khoa học dự đoán dù trải qua hàng trăm năm nữa, chúng ta cũng không thể đến gần "Bàn chân voi" nếu thiếu những thiết bị bảo hộ
Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine gặp phải sự cố. Các chuyên gia phát hiện ra vấn đề, cố gắng tắt khẩn cấp nhưng bất thành. Nhiệt độ trong lõi phản ứng tăng đến mức không thể kiểm soát, khiến nước làm mát lập tức bốc hơi khi được bơm vào.
Lò phản ứng cuối cùng nổ tung do áp suất quá lớn, gây ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Mùa thu năm đó, khi các đội cứu hộ có mặt để ngăn chặn bức xạ, họ lần đầu tiên phát hiện ra "vật thể nguy hiểm nhất thế giới".
Theo các nhà khoa học, lò phản ứng số 4 khi nóng lên đã làm tan chảy thép và bê tông chắn xung quanh, tạo thành "dung nham phóng xạ". Vật thể này chảy xuống, quét qua nhiều vật khác, trở thành một hỗn hợp phức tạp có nồng độ phóng xạ cực cao. Khi nguội đi, thứ này cứng lại thành một vật liệu mới gọi là corium. Nó được đặt tên là "Bàn chân voi".
Lượng phóng xạ đậm đặc lên đến 10.000 đơn vị roentgen/giờ do “Bàn chân voi” phát ra đủ mạnh để rút ngắn cuộc đời của bạn xuống còn vài ngày. Từ 5 – 10 roentgen dẫn đến thay đổi công thức máu của một người. 70 roentgen gây nôn mửa và rụng tóc và từ 1.000 roengent trở lên sẽ phá hủy niêm mạc ruột, dẫn đến tình trạng chảy máu trong và cuối cùng là tử vong.
Để dễ hình dung hơn, bạn sẽ bị ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy mất kiểm soát sau 30 giây tiếp xúc với khối phóng xạ. Bất kỳ ai lởn vởn gần nó quá 5 phút sẽ mất mạng trong 2 ngày sau. Điều này đã biến khối vật chất rộng 3 mét trở thành vật thể nguy hiểm nhất từng tồn tại trên Trái đất.
Tại thời điểm khối chất corium này hình thành, nó nóng đến nỗi chảy xuyên cả lớp bê tông dày 2 mét. Người ta lo sợ rằng nếu tiếp tục ngấm xuống phía bên dưới, nó sẽ chảy vào đường nước ngầm dưới lò phản ứng, đầu độc toàn bộ nguồn nước ở phạm vi nhiều km xung quanh.
Bản thân bức ảnh nổi tiếng nhất về khối vật chất chính là một bí ẩn lịch sử, do ông Artur Korneyev, Phó giám đốc dự án Shelter Object chụp bên dưới phòng phản ứng số 217 năm 1996. Shelter Object là cấu trúc bê tông thép khổng lồ chứa 200 tấn chất corium, 30 tấn bụi phóng xạ cùng 16 tấn urani và plutoni tại Chernobyl.
Ông Tim Ledbetter, người biên soạn thư viện ảnh kỹ thuật số cho Dự án An toàn Hạt nhân Quốc tế thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, không rõ ông lấy được tấm ảnh này từ nguồn gốc nào. Toàn bộ thông tin ông nắm được là hình ảnh cho thấy ông Korneyev đứng cạnh vật thể chết chóc nhất hành tinh.
Phó giám đốc Artur Korneyev đã đến Chernobyl nhiều hơn bất kỳ ai, đồng nghĩa với việc bị nhiễm xạ nhiều nhất. Được biết, ông đã dựng máy ảnh hẹn giờ để chụp tấm hình đặc biệt này. Kết cấu mờ ảo, sần sùi của bức ảnh được cho là do lớp bức xạ chết người của “Bàn chân voi”, ngay cả khi nó đã hình thành từ 10 năm trước.
Lần đầu tiên phát hiện, “Bàn chân voi” giải phóng ra lượng phóng xạ đủ mạnh để giết chết một người trưởng thành trong ít phút. Thậm chí đến ngày hôm nay, hơn 33 năm sau thảm họa, nó đang bị đốt nóng bởi sự phân rã phóng xạ và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Nó quá cứng và đậm đặc, không mũi khoan bình thường nào có thể xuyên thủng. Dù vậy, giới chức Nga từng thử nghiệm bắn súng AK-47 vào nó, gây một vài vết hư hại nhỏ trên bề mặt. Hiện nay, căn hầm ban đầu của Chernobyl đã bắt đầu sụp đổ. Cấu trúc thay thế nó trị giá 2,3 tỷ USD do Ngân hàng Châu Âu tài trợ đã được dựng lên xung quanh, chôn vùi “Bàn chân voi” mãi mãi.