+Aa-
    Zalo

    Rùng mình sự thật bên trong kho chân, cánh gà ở đường biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không kể ngày đêm, hàng chục tấn nội tạng động vật, chân gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ TQ tràn qua biên giới về Việt Nam.

    (ĐSPL) - Không kể ngày đêm, hàng chục tấn nội tạng động vật, chân gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung Quốc tràn qua biên giới Lạng Sơn rồi tuồn về Hà Nội và các tỉnh, thành khác theo nhiều con đường khác nhau. Trong vai một nhà buôn lớn từ Hải Dương lên Lạng Sơn “ăn hàng”, tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của G., một đầu nậu mặt hàng chân, cánh gà, nội tạng lợn, tại Bắc Ninh.

    Mình có ăn đâu mà sợ!

    Như dân trong nghề đánh giá, G. là một trong những đầu mối lớn và có uy tín về cung cấp các mặt hàng này đi khắp các tỉnh, thành cả nước. Hàng của G. hiếm khi bị “nghẽn”. Chỉ cần báo số lượng hàng, chuyển tiền, phía G. sẽ báo chính xác ngày nhận.

    Được người dẫn mối có uy tín giới thiệu, tôi và G. nhanh chóng lấy được niềm tin nơi nhau. Lấy lý do phải xem mẫu hàng trước khi nhập, tôi yêu cầu được đưa đến bãi tập kết bên kia biên giới để tham khảo giá cả và chất lượng hàng. Tuy nhiên, cũng phải mất vài phút trao đổi với người dẫn mối, G. mới đồng ý. Anh hẹn tôi 9h sáng mai có mặt tại TP. Lạng Sơn và lên đường.

    Đúng hẹn, tôi được một chân rết của G. đánh xe đón tại khu vực đường tàu Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn). Nơi chúng tôi được đưa đến là một bãi tập kết cách không xa khu vực cửa khẩu Chi Ma. Thấy chúng tôi đến, một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, khuôn mặt đem sạm lôi từ trong chiếc xe ra một chai rượu trắng, rót cho mỗi người một chén, nói uống cho bớt rét. Như giới thiệu thì ông là chủ bãi, người chịu trách nhiệm kiểm hàng mỗi khi chúng được chuyển qua biên.

    Chỉ vào những thùng giấy lớn nhỏ được xếp trong bãi, người dẫn tôi đi xem hàng thì thầm: “Hàng chân gà đấy, anh cứ hỏi xem. Chờ lượt hàng mới nữa chuyển về thì tha hồ kiểm hàng”. Sau vài chén rượu, ông chủ bãi có vẻ cởi mở hơn, nói tiếp: “Hàng từ Trung Quốc về phải vượt 3- 5km đường đèo, mất khoảng 2 giờ. Cửu vạn gánh hàng chủ yếu là phụ nữ tại các bản. Và, bọn anh trả 2.000 đồng/kg. Hôm nay, chỗ của anh thì chỉ có hàng chân gà và cánh gà về. Thịt bò, sườn lợn, nầm lợn thì chắc 1 đến 2 hôm nữa mới về được”.

    “Chân gà của bọn anh có 2 loại: Loại đẹp, chân to, mọng, trông nuột nà có giá 40 triệu đồng/tấn; loại chân xấu, nhỏ, có vết đen tím thì chúng tôi bán ra với giá 25 triệu đồng/tấn. Cánh gà thì có một loại duy nhất, chúng tôi bán ra với giá 50 triệu đồng/tấn”, ông quản lý bãi cho biết.

    Cửu vạn vận chuyển trong bãi.

    Chừng nửa tiếng sau khi tham quan khắp khu vực bãi đỗ của mặt hàng chân, cánh gà... PV phát hiện từng tốp phụ nữ gồng gánh mồ hôi nhễ nhại, áo xống buộc ngang bụng đưa hàng cập bãi. Chân gà được đóng vào các thùng cát-tông vuông vức cho dễ vận chuyển. Hàng được cân kiểm và thanh toán cho cửu vạn ngay tại chỗ. Sau đó, chúng được đóng lên các xe tải lớn nhỏ chờ sẵn.

    Nhận tiền xong, những nữ cửu vạn chỉ kịp “tợp” chén nước rồi tất tả quay lại con đường mòn để bắt chuyến tiếp theo. Theo anh chủ bãi thì: “Chân gà, cánh gà được tập kết về đây mỗi ngày, giá cả biến động thất thường theo tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Hàng này được thực khách tại thành phố lớn như Hà Nội rất chuộng. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh, riêng Hà Nội tiêu thụ cả vài chục tấn là chuyện thường”.

    Theo chân anh chủ vào kho hàng, mùi hôi thối xộc vào mũi làm tôi sợ hãi không muốn bước tiếp. Thế nhưng, anh chủ “động viên”: “Chú đi buôn hàng này thì phải ngửi mùi cho quen. Không chết được đâu mà sợ”. Nói xong anh chủ nhìn quanh rồi lẩm nhẩm: “Mùi này là mấy cái thùng chân nhỏ, hàng hôm nay chất lượng hơi kém. Mùi nặng quá”.


    Tại bãi tập kết, một tấn chân gà loại to đẹp, ít chấm đen có giá 40 triệu.

    Móc từ trong thùng cát-tông ra một vài cái chân, anh giới thiệu: “Chân gà này là hàng xấu, bé và có chấm thâm đen khó bán lắm. Nếu lấy, chú nên lấy loại to về cho dễ bán. Với lại đắt một tí, nhưng loại to thì ngon và lãi nhiều hơn. Nhớ, bảo quản tốt không nó hết lạnh là thối ngay”.

    Tôi ậm ừ vài câu rồi tìm cách thoát nhanh ra ngoài bãi. Ra đến cửa, tôi hỏi anh chủ mấy câu về lời lãi, chất lượng và quy trình kiểm dịch. “Không sao đâu, anh mày làm hàng này cả chục năm nay vẫn khỏe như voi đấy thôi. Mình có ăn đâu mà sợ. Từ ngày đi buôn, anh chưa đụng một miếng. Có làm thì mới biết hàng này nó mất vệ sinh như thế nào, hết lạnh là nó thối rữa ghê lắm. Mà nói chung, anh khuyên chú, không rõ nguồn gốc thì tốt nhất là bán về thành phố cho họ ăn”, anh chủ nói.

    Để có hàng làm mẫu đi giới thiệu cho khách, anh đưa cho tôi 2 túi chừng 2kg chân và cánh cùng lời mời chào: “Chú cứ mang về, nếu thấy hợp lý, thì gọi điện cho anh là có hàng”.

    Muốn mua bao nhiêu cũng được đáp ứng

    Biết tôi có nhu cầu lớn, trên đường về TP.Lạng Sơn, anh chàng vừa nhận lệnh đưa tôi vào bãi cho biết thêm, giá bên Trung Quốc lên thì giá bán tại Việt Nam cũng tăng, xuống thì cùng xuống. Anh này cười nói khá xởi lởi với PV: “Riêng chân và cánh gà anh muốn lấy bao nhiêu chỉ cần điện cho anh em một câu là có ngay. Thường, những đầu nậu dưới xuôi nhập ít nhất cũng vài tấn một ngày. Thông thường đi đường Lạng Sơn vừa nhanh vừa an toàn. Hàng đã đóng lạnh và ướp hết rồi không lo hỏng đâu”.

    Anh chàng này còn “nổ” khá nhiều chuyện để khẳng định uy tín, như “báo luật” vận chuyển hàng này từ Lạng Sơn về tới Bắc Giang, “cước” là 3 triệu đồng/tấn; “luật” đến Hải Dương là 5 triệu đồng/tấn. Anh còn thao thao thường xuyên chuyển hàng về cho chủ ST ở Bình Đà (Hà Nội). Thậm chí, chuyển hàng về Hà Nội, sau đó gửi máy bay vào tận TP.HCM. Rồi thì, chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản, người mua muốn bao nhiêu mặt hàng nội tạng này cũng có thể nhận và chuyển đúng địa chỉ, đúng ngày.

    Rất có thể những chiếc cánh gà trông ngon lành này được làm từ loại được mời chào với giá 50 triệu đồng/tấn.

    “Ngoài anh em làm mặt hàng này, ở Lạng Sơn có khoảng 3 đầu nậu lớn khác. Đợt này, tụi em “đi” (tức vận chuyển về điểm tập kết – PV) nhiều vì trời lạnh, nhu cầu ăn chân, cánh gà tăng cao. Hàng này mất vệ sinh thì lúc nào cũng bị cấm, nhưng tụi em vẫn “đi” bình thường. Mới tuần trước, bọn em bị bắt một chuyến do “bị báo” vì có đứa ghen ăn tức ở. Nhưng, nói chung lợi nhuận cao, mất một chuyến thì chẳng thấm vào đâu”, anh chàng này nói.

    Sau khi bốc máy điện cho đầu nậu G., anh chàng giới thiệu cho chúng tôi biết thêm: “Một tuần mà anh chỉ lấy một chuyến thì bọn em không “đi”. Ít nhất một tuần phải đi 5 chuyến, mà mỗi chuyến phải đủ một tấn trở lên mới bõ công. Anh là chỗ người quen giới thiệu nên anh G. bảo ưu tiên cho anh thanh toán 50% tiền hàng, giao hàng là giao nốt”.

    Về tới TP. Lạng Sơn trời đã quá trưa, trước khi chia tay “anh chàng dẫn đường” này, tôi hứa sẽ sớm liên lạc lại để trả lời về việc mua hàng. Tôi nói, về trao đổi, nếu ổn sẽ đặt hàng, chuyển tiền. Khuôn mặt anh chàng dẫn đường không khỏi hí hửng dõi theo tôi ra đến cửa xe taxi. Sau cánh cửa, tôi không khỏi chột dạ nhớ lại những lần nhâm nhi món khoái khẩu này tại các tuyến phố mặt hàng chân, cánh gà nướng thơm lừng bên vỉa hè một số đô thị, nhất là ở Hà thành.

    Khó phát hiện vì thủ đoạn khá tinh vi

    Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ban chỉ đạo 398 Quốc gia chia sẻ, năm nay, việc ngăn chặn các vụ vận chuyển trái phép thực phẩm bẩn như chân gà, nội tạng động vật vào Hà Nội tiêu thụ tốt hơn nên số lượng có phần giảm hơn mọi năm. Các đối tượng thường xé lẻ để vận chuyển nên việc phát hiện bắt giữ hết sức khó khăn. Tuy nhiên, năm nay, Ban chỉ đạo 398 sẽ chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra gắt gao hơn. Một cán bộ quản lý thị trường thuộc đội QLTT số 16 quản lý khu vực quận Long Biên, Hà Nội, cửa ngõ vào Thủ đô cho biết, bắt được các đối tượng vận chuyển mặt hàng chân gà, nội tạng rất khó. Chúng thường hoạt động lén lút và vận chuyển khá tinh vi.

    Đoàn Tân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rung-minh-su-that-ben-trong-kho-chan-canh-ga-o-duong-bien-a179186.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan