Tết là một dịp đặc biệt để được quây quần bên gia đình. Song với nhiều người già, vì một số lý do khác nhau, họ đón Tết ở trung tâm dưỡng lão. Tuy nhiên, không vì thế mà họ - sau khi đã trải qua quá nửa đời người - lại không thể tìm thấy niềm vui nơi đây.
Hoạt động, tình cảm mà các tình nguyện viên dành cho các cụ. |
Vui hơn ở nhà
Tết Nguyên đán gần kề cũng là khi trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ xa, những mảng màu đặc trưng của Tết bao gồm màu hồng hoa đào, màu xanh lá dong, cây cảnh, màu vàng hoa cúc... xen lẫn với tiếng cười nói và những thanh âm náo nhiệt của phố thị... đã dội vào nơi đây.
Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng - nói: “Trung tâm đang tổ chức chợ Tết cho các cụ. Tết năm nay có phần hơi đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy ý tưởng tổ chức cũng phải thay đổi”.
Bên cạnh những trò chơi dân gian quen thuộc như đập niêu, bịt mắt bắt vịt, theo chị Ngân, điểm khác lạ của Tết năm nay là thay vì mua sắm bằng tiền trực tiếp như mọi năm, Trung tâm đã thay đổi hình thức mua sắm bằng các phiếu mua hàng hay thẻ khuyến mãi tại các sàn thương mại điện tử. Các cụ sẽ được phát phiếu mua hàng và mua trực tiếp tại gian hàng của chợ Tết.
Chị Ngân cũng cho biết, được bày bán tại chợ Tết đều là những mặt hàng mà Trung tâm kêu gọi ủng hộ được. Đều là đồ dùng mà các cụ có thể sử dụng được như máy tính bảng để đọc báo, sách, đài,...
“Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ và khác biệt so với những năm trước. Chúng tôi muốn các cụ có thể trải nghiệm những điều mới lạ mà trước kia chưa từng được trải nghiệm. Để các cụ hiểu xã hội hiện tại đã thay đổi nhiều như thế nào”, chị Ngân tâm sự.
Ngoài ra, trước khi diễn ra chợ Tết, Trung tâm cũng tổ chức rất nhiều hoạt động mang tính kết nối khác. Theo quan sát, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đã trải dài khắp hành lang của trung tâm dưỡng lão này. Những cây đào, cây quất được trang trí với nhiều màu sắc nổi bật được bày cạnh những câu đối đỏ do chính tay các cụ bài trí, sáng tạo. Vào chính lễ, còn có cả những hoạt động văn nghệ chào Xuân để các cụ có thể cùng nhau giao lưu và có dịp khoe tài năng của mình.
“Ai cũng háo hức tham gia những hoạt động tại trung tâm. Có cụ còn nói đùa rằng không nỡ về nhà vì sợ bỏ lỡ sự kiện nào đó tại trung tâm”, chị Ngân cười cho biết.
Một cái Tết đủ đầy con cháu
Trong suốt 6 năm hình thành và phát triển, chị Thu Ngân cho biết, trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng hiện tại đang nhận chăm sóc hơn 120 cụ, thuộc 3 nhóm đối tượng chính. Đó là các cụ già vẫn khỏe mạnh, minh mẫn nhưng lại không muốn làm phiền đến con cháu.
“Các cụ nhận thức được sự khác biệt giữa những thế hệ nên chủ động đề nghị con cái cho mình vào viện dưỡng lão để sống. Tại trung tâm, các cụ đều chủ động trong việc tự chăm sóc, tự sinh hoạt cá nhân”, chị Ngân nói.
Nhóm người già tiếp theo là các cụ có bệnh nhưng con cái lại quá bận rộn, không thể chăm sóc. Thường những cụ như vậy thì việc chăm sóc và chế độ ăn uống cần được theo dõi, nếu không nhất quán có thể khiến bệnh tình xấu đi. Vì vậy gia đình gửi các cụ vào đây. Nhóm cuối cùng, theo lời chị Ngân, là những cụ già bị tai biến hoặc bị lẫn, không thể chăm sóc tại nhà. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất là để các cụ được chăm sóc tại viện dưỡng lão.
Nhưng dù là người già thuộc nhóm chăm sóc nào, Tết đến vẫn luôn là dịp để các cụ được trở về ăn Tết với con cháu, nếu như họ muốn.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, chị Ngân cho hay: “Chúng tôi hiểu vẫn có nhiều gia đình bận rộn với công việc mà không thể đưa bố mẹ về ăn Tết cùng. Vì vậy, Trung tâm vẫn chăm sóc các cụ trong dịp Tết và vẫn chào đón các con, cháu vào thăm. Đón Tết tại đây, các cụ vẫn được xem pháo hoa, được lì xì và ăn những món ăn mang đậm bản sắc của Tết cổ truyền”.
Ngay cả trong phiên chợ Tết do Trung tâm tổ chức vẫn có sự góp mặt của nhiều gia đình là con cháu của các cụ già. Thời khắc đó, các cụ rất hạnh phúc vì vẫn được chung vui cùng con cháu và đông đủ gia đình.
“Các gia đình có thể tham gia hoạt động ở chợ Tết cùng với các cụ. Chính điều đó đã gắn bó các gia đình lại với nhau, không cần ở đâu xa, chỉ cần ở ngay tại đây”, chị Ngân chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Biển (88 tuổi) hiện đang sống tại trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, bày tỏ sự vui vẻ khi Tết năm nay ở lại trung tâm.
Mái tóc trắng như cước, nụ cười hiền từ, cụ Biển vui vẻ kể: “Nhờ trời nên tôi vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Thời gian tôi ở đây cũng được các cháu chăm sóc chu đáo, coi tôi như người thân trong gia đình nên sức khỏe của tôi vẫn tốt. Các con tôi giờ mỗi người một nơi đi làm ăn xa, tôi cũng không biết phải về nhà đứa nào. Chi bằng tôi ở đây, Tết các con cùng nhau vào thăm, vừa gặp mặt được cả gia đình lại vừa không phải tốn công đi lại. Như thế cả gia đình vừa sum vầy lại vừa ấm cúng”.
Và không chỉ riêng cụ Biển, một số cụ già đang được chăm sóc tại đây cũng có chung cảm xúc như vậy, mỗi lần Tết lại thêm nhiều lần được nhận về yêu thương...
Lê Trà
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (17)