+Aa-
    Zalo

    Rơi nước mắt tâm sự của cô gái có tuổi thơ bị xâm hại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trải qua những nỗi đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần từ khi còn rất nhỏ, câu chuyện về cô bé M.A đã khiến người xem không khỏi xúc động và thương xót.

    (ĐSPL) – Trải qua những nỗi đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần từ khi còn rất nhỏ, câu chuyện của cô bé M.A đã khiến người xem không khỏi xúc động và thương xót cho số phận đầy trớ trêu của mình.

    Lắng nghe chuyên mục Tình sẻ chia trên chương trình 365 ngày Hạnh phúc phát sóng trên sóng VOV Giao thông tối ngày 11/5/2015, thính giả cả nước đã không khỏi xúc động trước bức thư gửi ba và câu chuyện cuộc đời đầy đau xót của cô gái có tên M.A.

    Rơi nước mắt tâm sự của cô gái có tuổi thơ bị xâm hại. Ảnh minh họa.

    M.A. chia sẻ, từ khi còn rất nhỏ, khi ba mẹ cô ly dị, ba cô qua tỉnh khác sống, M. A. sống cùng mẹ trong sự thiếu thốn về vật chất, nhưng lúc nào cũng ắp đầy yêu thương. Còn ba thì rất ít về thăm mẹ con cô, khoảng cách giữa cô với ba ngày càng xa hơn.

    Tuy nhiên, M.A. cho biết, cô không chỉ có khoảng cách với ba mình, mà còn với cả những người đàn ông khác. Lý do chính là vì một nỗi đau mà chắc hẳn không ai muốn nhắc lại trong quá khứ - cô bé đã bị người khác xâm hại khi còn nhỏ.

    Mãi cho đến thời gian gần đây, M.A. và ba mới nói chyện với nhau được bình thường. Và khi đã có người chồng luôn yêu thương, hiểu và sẻ chia, khi ba đã già, cô mới dám viết bức thư này bộc lộ hết tình yêu thương, kính trọng của mình dành cho ba.

    Mở đầu bức thư gửi ba của mình, M.A lên tiếng "Ba ơi", câu nói chứa nặng tâm tư và tình cảm của một người con từng rất giận ba của mình.

    Cô gái viết:

    Ba ơi!

    Lần đầu tiên con xin cho con gái được gọi ba như vậy nha ba. Hai tiếng ba ơi giản dị như vậy thôi nhưng suốt cả tuổi thơ con chỉ gọi được vài lần. Không biết ba có để ý không rằng con đã cố gắng rất nhiều mới có thể tự nhiên gọi ba như bây giờ.

    Tuổi thơ con là những ngày tháng buồn tủi trong cô đơn và nước mắt. Từ lúc con có thể nhớ và nhận thức được một chút về cuộc sống thì xung quanh con chỉ có bóng đêm, có những cơn mưa dai dẳng. Con ngồi bó gối chờ mẹ đi làm về. Những ngày một mình ở nhà và đợi mẹ, ngóng ba ấy con đã bị người ta làm nhục.”.

    Viết ra những dòng này, hẳn cô gái cảm thấy rất đau đớn vô cùng về ký ức tuổi thơ của mình. M.A cũng cho biết, trước lúc lấy chồng, nỗi đau này luôn ám ảnh cô gái, cuộc sống với cô là những chuỗi ngày đau đớn, tủi nhục.

    Lúc chưa lấy chồng, em suy nghĩ kinh khủng lắm, nó ám ảnh đến nỗi em nghĩ là suốt đời em sẽ không lấy chồng. Nhưng bây giờ, khi em đã lấy chồng, chuyện đó nó đã trở thành quá khứ rồi.”, M.A chia sẻ trên sóng VOV.

    Kể lại giấy phút đau đơn nhất của cuộc đời mình, M.A cho biết, cô chỉ nhớ lúc đó cô còn rất nhỏ, cô nhớ người con trai cưỡng bức cô khoảng 15 - 16 tuổi. Nhưng điều quan trọng là cô không hiểu được rằng mình đã mất đi thứ quý giá nhất, cô chỉ biết thấy đau và khóc rất nhiều.

    Lúc đó, ngồi khóc kêu ba mẹ thì có bác Mười thấy em ngồi khóc. Bác kêu về nhà bác rồi mẹ sẽ về qua đón. Đến lúc em không còn đau và sợ thì ko còn nghĩ gì nữa. Chuyện đó cũng qua. Cho đến khi lớn hơn, em tìm hiểu trên mạng, em mới nhớ lại chuyện cũ. Em nhớ cái người đó chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Em mới  hiểu ra là em đã bị mất cái gì, bị tổn thương và phải chịu đau đớn như thế nào. Nhìn bạn bè vô tư, em tự hỏi tại sao mình lại như vậy. Càng lớn em càng suy nghĩ nhiều, nỗi đau đè nặng thêm. Trải qua môt mình, không biết dựa vào ai cả.”, M.A nói.

    M.A viết tiếp:

    “Ba có biết không, lúc đó con đau, con khóc và từ đó con ghê sợ tất cả những người đàn ông đến gần con. Con trở nên nhút nhát, hay lo sợ, kể cả lúc gặp ba con cũng thấy sợ. Một nỗi sợ vô hình mà con không hiểu được. Đi học về nhà lúc nào cũng thui thủi một mình. Lớn lên một chút, con lại càng thấy bạn bè khác biệt với mình. Họ vô tư, trong sáng hơn con về mọi thứ. Con ghen tỵ với tất cả những gì họ có. Con ghét khi họ hỏi về ba. Con tức giận khi họ khoe với con áo mới, đồ chơi đẹp. Con không cho ai về nhà mình ngay cả cô bạn thân nhất của con. Con ghét khi phải ngồi trong ngôi nhà rách nát, thiếu thốn mọi thứ. Và con ghét luôn cả ba.

    Năm con chuẩn bị vào lớp 10, ba về thăm. Ba hứa mua cho con bộ áo dài. Con rất vui mừng chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng. Suốt 3 năm trời, con vẫn mặc bộ áo dài cũ, rộng thùng thình của người ta đến lớp. Con đâu dám trách ba vì không mua áo cho con. Vì có thể ba cũng rất nghèo. Con trách ba sao không làm được mà còn hứa để con nuôi hy vọng và để hình ảnh ba trong con không được vẹn tròn. Suốt những năm học cấp 2, cấp 3 bạn bè chiều chiều cắp sách đi học thêm còn con cùng mẹ đi lượm ve chai kiếm sống. Con đã từ một đứa học giỏi nhất nhì lớp ngày càng đuối dần, chán nản, mệt mỏi. Nhưng với con lúc đó, đi học là niềm vui duy nhất ba à.”

    Và cho đến khi M.A đỗ vào cao đẳng, cô đã phải gác nỗi đau của mình sang một bên, vừa đi làm thêm đủ mọi việc vừa lo tiền học cho bản thân. Cô đã phải làm rất nhiều việc từ đi dạy thêm, phục vụ nhà hàng, bưng bê…

    “Rồi con cũng đậu vào cao đẳng. Nghĩ tới khoản tiền phải lo phía trước con đã nghĩ tới nghỉ học. Ba lại nói mẹ cứ vay tiền cho con đi học, rồi ba sẽ phụ mẹ trả. Con không tin vì ba đã một lần thất hứa rồi. Khoản tiền vay hàng tháng chưa đến một triệu đồng chỉ đủ cho con trang trải học phí và tiền ở trọ. Mỗi ngày, thay vì ngồi học con đi dạy thêm, làm phục vụ nhà hàng, đi bưng bê hủ tiếu để kiếm tiền nơi thành thị đắt đỏ và xa lạ. Rồi con cũng ra trường với nỗi lo về việc làm và khoản nợ gần 30 triệu đè nặng trên vai. Con đã phải cố gắng làm cả những công việc con không thích để kiếm tiền trả nợ. Từ lúc con ra trường tới giờ cũng gần 2 năm, tiền con đi làm đem về mẹ cũng chỉ dành trả nợ cho con. Con chưa cho được mẹ đồng nào. Mẹ không đòi hỏi cũng không trách móc gì con. Ba hay hỏi con, mai mốt làm nuôi ba không. Con không biết ba chỉ nói đùa hay ba thử lòng con. Vì điều kiện của ba bây giờ đâu cần đến vài đồng bạc lẻ của con. Con biết, ba chỉ muốn con nói một câu cho ba vui. Cho ba thấy là con thương ba.", M.A viết tiếp.

    Khi được hỏi tại sao sau bao nhiều những mất mát, cô gái có thể chịu đựng và vượt qua một cách mạnh mẽ như vậy. Câu trả lời của cô là chính là nhờ có mẹ. Mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất với cô.

    Cũng chính vì thế mà cho đến bây giờ, cô vẫn luôn cảm thấy buồn. Buồn không phải vì cô không được đi học, không được như bạn bè. Buồn vì hồi đó, cô không thể lo cho mẹ được. “Em không bao giờ trách ai hết cả, vì em biết hoàn cảnh của gia đình. Và biết rằng mẹ đã làm cố gắng hết sức để em đi học rồi.”

    Cô cũng cho biết, ngoài mẹ cô, người không để ý tới quá khứ của cô, người đã giúp cô vượt qua mọi mặc cảm và mọi nỗi sợ hãi quá khứ chính là chồng của cô bây giờ. Cô và anh quen nhau khi cùng làm tại một công ty của anh trai anh. “Anh giống như là một người thầy, người anh. Sau một thời gian nói chuyện, em và anh ấy mới hiểu nhau. Nhưng lúc đó, em không nghĩ em sẽ lấy chồng. Nhưng sau một lần bị đau bao tử, anh đến chăm sóc, thức đêm để chăm sóc. Lúc này, em mới nói chuyện ngày xưa cho anh nghe. Anh ấy đã ôm em vào lòng và không nói gì. Cho đến bây giờ, anh ý cũng không động đến nỗi đau đó nữa.”, M.A. chia sẻ.

    Giờ đây, khi đã có gia đình, khi đã đủ trưởng thành để quên đi những nỗi đau quá khứ, cũng là khi ba đã già, M.A muốn gửi tới với ba của mình rằng: “Ba ơi, những điều mà con nói trên đây có lẽ là những điều mà từ lâu con rất muốn nói nhưng chưa có cơ hội. Và khi nói ra, bây giờ con thấy nhẹ người lắm. Có thể ba nghe xong ba sẽ giận con. Con cũng muốn ba hiểu con hơn, vì bây giờ con đã gia đình riêng. Thời gian ba và con gặp nhau ko nhiều nữa. Con lớn rồi con cũng hiểu được lòng ba hơn. Nên con chỉ mong ba đừng trách móc gì mẹ con và con. Vì đối với con, mẹ là quan trọng nhất. Con biết là con lúc nào cũng đứng ra bảo vệ, bênh mẹ tướcc mặt ba. Nhưng ba biết, con sống với mẹ cũng hơn 20 năm rồi, làm sao con có thể có tình cảm nhiều hơn với một người mà lâu lâu mới gặp một lần. Con mong ba hiểu cho con!”

    Câu chuyện đã thực sự chạm đến trái tim của rất nhiều độc giả, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ. Nhiều độc giả đã tỏ ra khâm phục ý chí của M.A và gửi lời động viên đến cô gái mạnh mẽ này.

    Le Ngoc Can viết: “Ngưỡng mộ bạn gái này quá, bạn đã can đảm kể lại quá khứ, nghe thu bạn mà rơi nước mắt. Lúc đó chắc bạn nhỏ quá, ngây thơ quá nên mau quên chuyện buồn”.

     “Cảm ơn chương trình và cảm ơn cô gái trong câu chuyện ... mong thương tổn rồi sẽ qua và mọi chuyện đâu buồn sẽ khép lại ... Hạnh phúc và bình an nhé cô gái”, thành viên Quốc Thịnh chia sẻ.

    Câu chuyện cũng để lại bài học về giá trị của sự yêu thương. Những người làm cha, làm mẹ hãy yêu thương, quan tâm đến con nhiều hơn để con không phải chịu những cảnh đời éo le như cô gái M.A trong câu chuyện. Và đôi khi chính sự yêu thương có thể hàn gắn những nỗi đau trong quá khứ, kéo bạn đứng lên đi về phía trước bằng tất cả sự mạnh mẽ. Những điều đó là những điều quá tuyệt vời.

    MẠC NHIÊN (Lược theo câu chuyện trên VOV) 

    Xem thêm video: 

    [mecloud]UixugFrCQy [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/roi-nuoc-mat-tam-su-cua-co-gai-co-tuoi-tho-bi-xam-hai-a99923.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.