Sinh 9 người con nhưng 6 đứa “có lớn mà không có khôn”, ngây dại như đứa trẻ khiến cuộc sống của bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi, ở xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chưa lúc nào bớt khổ. Bà bảo: "Khi nào biết mình không thể sống nữa, tôi sẽ cố cho chúng một bữa no nê rồi uống thuốc độc cùng chết".
Sinh 9 người con thì 6 đứa "có lớn mà không có khôn"
Nhiều năm nay, người dân ở xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ không còn xa lạ gì với hình ảnh khắc khổ của bà Nguyễn Thị Lực. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 79 nhưng bà Lực chưa một ngày được an hưởng tuổi già. Căn nhà của mấy mẹ con bà Lực được người dân nơi đây ví "không khác gì trại tâm thần". Bà đẻ tất thảy 9 người con thì 6 đứa "có lớn mà không có khôn". 3 người con khác cũng có hoàn cảnh khó khăn, không thể phụ giúp gì được.
Nhiều năm nay bà Lực phải tự tay chăm sóc 6 đứa con điên dại của mình. |
Con trai út hay bỏ đi nên bà phải buộc dây thừng lại. |
Ngôi nhà nhỏ dựng tạm của mẹ con bà Lực lọt thỏm giữa những hàng cây. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lực cho biết, vốn quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhưng cùng chồng rời quê hương lên xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa định cư đến nay đã 45 năm. Bà bảo, trời đánh cho bà số khổ. Bao nhiêu tên đẹp, mềm mại nhẹ nhàng cha mẹ không đặt lại đặt cái tên rõ nam tính khiến cuộc đời bà phải lao lực khổ cực, lận đận đến tận cuối đời.
Bà lấy chồng năm 1959, thời đó, chồng bà làm cán bộ nên vắng nhà triền miên. "Ấy nhưng cứ khi nào ông ấy về nhà là tôi lại có chửa. Đứa đầu tiên thì không sao nhưng đến đứa thứ hai là có, lớn tí là trở nên ngây dại", bà Lực chia sẻ.
Dù năm nay 79 tuổi nhưng bà Lực chưa một ngày được an hưởng tuổi già. |
Cuộc đời của bà là những chuỗi ngày chồng chất lo toan với những đứa con ngây dại. |
Theo lời bà Lực, ngay từ khi chập chững, người con thứ hai của bà là anh Chu Văn Quyến (55 tuổi) đã bị bệnh não phải đi cấp cứu ở viện. Càng lớn, anh Quyến càng dại dần, giờ thì khùng hẳn. "Nó cứ cười cười thế thôi nhưng cục tính lắm, lên cơn vớ được cái gì là đập cái đấy", bà Lực chỉ tay về phía người con trai.
Khi có cả thảy 4 mặt con, năm 1972, bà Lực theo chồng lên định cư ở đất này. Lên vùng quê mới, đất rộng người thưa, lại được sớm tối bên nhau nên vợ chồng bà Lực đẻ ào ào thêm 5 con nữa. Tuy nhiên, đất trời giễu cợt, bi kịch khổ đau cứ liên tiếp lặp lại với gia đình bà. Các con khi lọt lòng đều như những đứa trẻ bệnh thường khác nhưng càng lớn càng mất khôn. Thậm chí, người con thứ ba khi lên quê mới đã gần 10 tuổi, khôn lanh nhất nhà, học một hiểu mười nhưng đến lớp 7 thì lại giống các anh, chị, em mình.
Người con gái ngơ ngác không biết gì. |
Hằng ngày bà vừa chăm lo cho các con, vừa tranh thủ làm lụng. |
Rồi phải tự tay giặt giũ quần áo. |
"Ngày trước ông nhà tôi còn sống tôi còn có chỗ dựa chứ năm 1993 ông ấy mất vì bệnh tim khiến cuộc sống của tôi nhiều khi rơi vào bế tắc. Trước khi chết, ông ấy dặn tôi 3 việc. Việc thứ nhất, ông nói mà nước mắt chảy ra, mấy lần đi viện, bác sĩ có kê cho ông thuốc ngủ nhưng ông không uống. Ông muốn dành số thuốc ấy cho đám con điên dại của mình.
Ông ấy bảo tôi chẳng còn sống để chăm sóc các con cùng bà nữa, tôi biết, bà đàn bà con gái cũng chẳng thể lo cho chúng nó được đâu. Tôi dồn 100 viên thuốc để trong hòm kia kìa, trước khi tôi mất thì cho chúng nó uống để chúng đi cùng tôi để bà đỡ khổ", bà Lực rơm rớm nước mắt kể.
Việc thứ hai, ông dặn bà làm tang cho ông không được vay mượn thêm. Ai cho vay cũng lắc đầu, bán mấy cây xoan trước nhà đi để có tiền lo đám vì sợ bà mắc nợ thêm. Việc thứ ba, ông dặn bà chôn ông ở trong vườn nhà. Ông bảo, chôn ông ở vườn nhà ông sẽ giúp bà trông coi nhà cửa, đặc biệt là "mấy đứa con ngơ" để bà yên tâm lần mò xuống ruộng, lên nương.
"Nghe lời dặn dò đó, tôi làm được điều thứ 2 và thứ 3 thôi còn điều đầu tiên tôi không làm được, tôi ậm ừ nhưng từ đó đến bây giờ vẫn chưa đủ can đảm để thực hiện", bà Lực nói.
"Khi biết mình không sống được nữa, tôi sẽ cho các con đi theo"
Chồng mất, bà Lực loay hoay cùng đàn con điên dại. Bệnh tình của các con ngày một thêm nặng. Việc ruộng vườn, kiếm gạo cho cả nhà vừa dứt thì bà lại vội về nhà cơm nước, tắm rửa vệ sinh cho mấy đứa con.
Bữa cơm tối của mẹ con bà Lực. |
Mỗi người con của bà ngồi một góc. |
Nhớ có lần mất mùa, nhà lại bị trộm hết gà, chó khiến bà Lực phải chạy vạy đi vay từng bát gạo lo cho các con. "Lúc đó, nhìn các con nheo nhóc, đói khổ tôi nghĩ đúng là sống không bằng chết, tôi đã có ý định thực hiện lời dặn của chồng. Nghĩ là vậy, nhưng lương tâm tôi không cho phép mình làm thế nên lại cố gắng gượng làm lụng lấy củ khoai, củ sắn cho các con ăn qua ngày" - bà Lực chia sẻ.
Trong số mấy người con dại, bà Lực bảo chăm con út là anh Toản (35 tuổi) vất vả nhất. Không giống như các anh chị mình, anh Toản có tính hay đi. "Cứ hở ra là nó đi, không biết đường về đâu. Nhiều hôm tôi phải đi tìm cả đêm mới thấy. Nhiều lần tắm cho nó, nó không hài lòng nó đẩy tôi ngã. Sợ con đi không biết đường về, bà phải lấy dây thừng buộc vào gốc cây hay trước cửa nhà", bà Lực vừa nói vừa buộc chân con trai lại.
Khi không sống được nữa, bà sẽ cho các con ăn no rồi để các con uống thuốc độc chết cùng vì sợ sẽ không ai chăm lo cho chúng được. |
Thấy bà khổ cực vì con, nhiều người dân xung quanh khuyên bà gửi những đứa con dại của mình vào trại tâm thần. Đôi lúc, thấy kiệt sức, bà cũng định làm việc đó, nhưng nghĩ kỹ lại không đành.
"Con mình đẻ ra, mình chăm từ bé, giờ gửi chúng nó đi tôi sao đành lòng. Chúng nó thì như cục thịt, có biết gì đâu, người ta đối đãi thế nào cũng chịu vậy thôi. Thêm nữa, giờ có gửi thì xác định là mất con. Có tuổi rồi, mắt mờ chân chậm rồi, nhớ chúng nó thì tôi đi thăm nom sao được", bà Lực bùi ngùi.
Nói xong câu đó, bà quay về gian bếp lụp xụp, chuẩn bị bữa cơm chiều và một lần nữa nhắc lại di chúc của chồng: "Tôi tính rồi, tôi cũng sẽ làm như ông nhà tôi dặn thôi. Khi nào biết mình không thể sống nữa, tôi sẽ cố cho chúng một bữa no nê rồi cho chúng uống thuốc độc để chết cho đỡ khổ. Mà nói thật, tôi chết thì chắc chắn chúng cũng chết thôi. Ai nuôi, ai chăm được chúng nó khi tôi không còn trên đời này nữa", bà Lực đau xót nói thêm.
Ngày 27/4, trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình bà Lực, ông Nguyễn Tiến Kỷ, Bí thư xã Phụ Khánh cho biết, dù tuổi cao nhưng bà Lực phải khổ cực nuôi các con bị thiểu năng trí tuệ, trí óc như đứa trẻ.
"Phía chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến trường hợp gia đình bà Lực, mỗi người con của bà Lực mỗi tháng được trợ cấp 460.000 đồng tiền hỗ trợ, ngoài ra, nhiều mạnh thường quân về địa phương cũng giúp đỡ bà Lực về vật chất hàng tháng để mẹ con bà Lực bớt khổ so với trước đây. Khổ nhất là trong lúc tắm rửa, sinh hoạt cho các con. 3, 4 người con khác lành lặn thì kinh tế cũng không khá giả lại ở xa nên ít phụ giúp được mẹ già", ông Kỷ nói.
Theo Trí thức trẻ