Bức ảnh toàn cảnh 360 độ ghi lại khoảnh khắc robot Curiosity của NASA đứng giữa sườn đồi khô cằn của sao Hỏa.
Robot tự hành Curiosity của NASA lập kỷ lục trèo địa hình dốc nhất, trèo lên bình nguyên Greenheugh Pediment, dải đá rộng nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Trước khi làm điều đó, con robot đã chụp ảnh selfie ghi lại khung cảnh ngay bên dưới Greenheugh hôm 26/2.
Phía trước Curiosity là lỗ khoan mang tên Hutton khi robot lấy mẫu vật nền đá cứng. Bức ảnh selfie toàn cảnh 360 độ được ghép từ 86 ảnh chụp do Curiosity truyền về Trái Đất.
Khi chụp ảnh, con robot đang ở thấp hơn khoảng 3,4 m so với địa điểm nó sắp leo tới ở vùng bình nguyên nứt nẻ.
Bức ảnh selfie của robot Curiosity. Ảnh: NASA |
Curiosity leo lên đỉnh dốc hôm 6/3 sau ba lần leo thử. Trong lần leo thứ hai, con robot nghiêng tới 31 độ, chỉ kém một chút so với kỷ lục nghiêng 32 độ của robot tự hành Opportunity năm 2016.
Từ năm 2014, Curiosity bắt đầu trèo núi Sharp, ngọn núi cao 5 km ở trung tâm miệng hố Gale. Các chuyên viên vận hành robot ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, Mỹ, cẩn thận lập bản đồ mỗi chuyến di chuyển để đảm bảo Curiosity không gặp sự cố. Con robot không có nguy cơ lật nhào bởi hệ thống bánh xe của cho phép nó nghiêng tới 45 độ.
Được biết, nhiệm vụ của Curiosity là nghiên cứu liệu môi trường trên sao Hỏa có thuận lợi cho sự sống vi khuẩn cách đây hàng tỷ năm hay không. Một công cụ để Curiosity thực hiện thăm dò là camera Mars Hand Lens (MAHLI) nằm ở cuối cánh tay robot. Camera này giúp quan sát cận cảnh những hạt cát và bề mặt đá, tương tự cách nhà đại chất học dùng kính lúp để xem xét mẫu vật trên Trái Đất.
Được biết, hồi năm ngoái, Curiosity cũng đã phát hiện một lượng khoáng vật đất sét lớn nhất kể từ khi nó được đưa lên sao Hỏa hồi tháng 8/2012.
Cụ thể, hai mẫu vật được Curiosity tìm thấy khi khoan 2 mục tiêu đá được đặt tên là Aberlady và Kilmarie. Những mẫu vật này chứa lượng đất sét cao nhất từng được phát hiện trong nhiệm vụ của NASA.
Khu vực phát hiện hàm lượng đất sét cao nằm ở mạn bên của vùng thấp ở núi Sharp. Vùng này vốn nằm ngoài quỹ đạo khám phá của NASA trước khi Curiosity được đưa lên sao Hỏa. Công cụ phân tích khoáng sản học của Curiosity có tên là CheMin, đã đưa về Trái Đất bản phân tích đầu tiên về các mẫu đá khoan được tại khu vực nhiều đất sét.
Ngoài ra, trong lần khoan và phân tích này, Curiosity sử dụng camera điều hướng đen trắng để chụp ảnh các đám mây trôi dạt. Các đám mây này có thể là những đám mây băng (có chứa nước), cách bề mặt sao Hỏa khoảng 31km.
Vũ Đậu(T/h)