Ngày 17/11, các báo lớn của Mỹ, bao gồm New York Times và CNN, đồng loạt đưa tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách lâu nay, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, theo thông tin trên báo Dân Trí.
Một quan chức Mỹ cho biết, các loại vũ khí này dự kiến sẽ được sử dụng chủ yếu ở tỉnh Kursk của Nga trong bối cảnh Moscow tìm cách đẩy lùi lực lượng quân sự Ukraine tại đây trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Ý tưởng nói trên nhằm giúp Ukraine duy trì quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Kursk càng lâu càng tốt. Phía Kiev được cho là còn kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ tại khu vực này.
Các nguồn tin cũng tiết lộ, Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Nga trong những ngày tới bằng tên lửa có tầm bắn hàng trăm km nhưng không nêu rõ chi tiết.
Hiện tại, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin nói trên.
Cũng trong ngày 17/11, tờ Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Cụ thể, Kiev sẽ được sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Cả Anh và Pháp hiện đều chưa bình luận về thông tin này.
Sau khi có thông tin Mỹ, Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ: "Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện những hành động thích hợp. Tuy nhiên, các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói, tên lửa sẽ tự nói lên điều đó".
Cũng theo nhà lãnh đạo Ukraine, một trong những điểm mấu chốt trong kế hoạch chiến thắng mà Kiev đã trình bày với các đồng minh, đối tác chính là khả năng tầm xa của quân đội Ukraine.
Về phía Nga, trước thông tin Mỹ "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công tầm xa, bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ quan điểm của mình trong vấn đề này.
Cụ thể, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin trên RT cho biết, hồi tháng 9/2024, ông Putin nói rằng lực lượng Ukraine không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
“Vấn đề không nằm ở chỗ có cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Vấn đề là các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự hay không”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo rằng, Moscow sẽ đưa ra “những quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”.
Trong ngày 17/11, ông Andrei Klishas - thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cảnh báo trên Telegram: "Phương Tây đã quyết định leo thang đến mức có thể dẫn đến việc nhà nước Ukraine bị hủy hoại hoàn toàn ngay ngày mai".
Trong khi đó, ông Vladimir Dzhabarov - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, nói rằng Moscow sẽ phản ứng ngay lập tức. "Đây là một bước đi rất nghiêm trọng hướng đến nguy cơ khởi đầu Thế chiến III", ông bình luận.
Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga cũng đã bày tỏ quan điểm về thông tin nói trên. Theo ông, việc Mỹ cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa chiến thuật ATACMS sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất của Moscow.