Trong đợt rét kỷ lục kéo dài ở các tỉnh miền Bắc vừa diễn ra nhiệt độ giảm sâu khiến số người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng vì bệnh lý hô hấp, tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người đột nhiên bị méo miệng, lệch mặt, rất nguy hiểm.
Tình trạng đột qụy do thời tiết lạnh giá tăng
Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 20%. Theo bác sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, hiện mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 10 - 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5-10%. Đáng lưu ý, nhiều người vào viện trong tình trạng nặng, nguy hiểm tới tính mạng.
Cảnh báo tình trạng đột quỵ do thời tiết lạnh giá, GS. Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Theo GS.Nguyễn Văn Thông, nguyên nhân gây ra đột quỵ chủ yếu là do hậu quả của tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch máu não, liệt, hôn mê.
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài. |
Còn bác sĩ Nguyễn Quang Ân, Giám đốc trung tâm đột quỵ, bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ lưu ý, nhiều người tưởng rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở những người trung niên trở lên, nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và để lại một hậu quả nặng nề. Đối với người bệnh trẻ tuổi khi mắc đột quỵ, mức độ tử vong cao hơn rất nhiều so với độ tuổi cao. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Điều đáng sợ là triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi 20 có thể hơi khác so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan không đưa đi cấp cứu sớm.
Nhiều bệnh nhi nhập viện do bệnh về đường hô hấp
Không chỉ người trung niên, người cao tuổi phải nhập viện mà trẻ nhỏ nhập viện cũng tăng lên. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 trẻ tới khám, chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh về đường hô hấp gia tăng, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa. Theo ông Điển, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Biểu hiện thường gặp của trẻ khi đến khám là có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè.
PGS.TS Trần Minh Điển nhận định, nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Những ngày này trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.
Tại khu khám bệnh, bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ chờ khám luôn trong tình trạng quá tải. PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, kinh nghiệm cho thấy thời tiết tiếp tục có rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám sẽ tăng. Đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Đặc biệt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em cũng tăng cao khi thời tiết quá lạnh. Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa đông, quan trọng nhất vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Theo đó, cần mặc ấm, vệ sinh răng miệng hàng ngày, trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi. Nơi ở cần sạch sẽ, thông thoáng không bị gió lùa (tránh mở hai cửa lưu thông nhau). Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: Ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi,... không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điêu trị đúng.
Những ngày qua, khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 đến 250 bệnh nhi. Trong đó, bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 30 đến 50%. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ nhập viện trong thời điểm này chủ yếu vì các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.
Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, cha mẹ phải luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc ra ngoài. Nên để trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài chơi ở nơi có nhiệt độ thấp hay có gió, mưa; cho trẻ ăn uống đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm...
Méo mồm, lệch mặt vì rét Những ngày rét buốt vừa qua, tại bệnh viện Châm cứu T.Ư tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng. Bệnh nhi K.H. (3 tuổi, ở Sơn La) nhập viện vì bị méo miệng do liệt dây ngoại biên số 7 bên trái. Một bệnh nhi khác mới 2 tuổi, vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch. Theo các bác sĩ mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Những trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này là trẻ có sức đề kháng kém khi gặp lạnh như đi học lúc sáng sớm không được giữ ấm, đeo khẩu trang, tắm muộn... Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh. Để không bị liệt dây thần kinh số 7, nên tránh nơi có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. |