Cỏ tranh (tên khoa học: Imperata cylindrical Beauv.) là một loại cây dại phổ biến, thường mọc hoang trên các vùng đất trống, đồi núi và ven đường. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phần rễ của loại cỏ này lại có nhiều công dụng hữu ích, đặc biệt trong y học cổ truyền.
Đặc điểm và thành phần
Rễ cỏ tranh có màu trắng ngà đến vàng nhạt, mang nhiều đốt nhỏ, bao quanh bởi lá vẩy và rễ con. Trong thành phần của rễ có chứa khoảng 18% đường (bao gồm cả glucose và fructose), làm cho rễ có vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra, cỏ tranh còn chứa nhiều axit hữu cơ như:
• Axit citric
• Axit malic
• Axit tartaric
• Axit oxalic
• Các hợp chất triterpene methylethers, arundoin và cilindrin
Nhờ những thành phần này, cỏ tranh không chỉ là một loại thảo dược có giá trị mà còn có khả năng hỗ trợ nhiều vấn đề sức khỏe.

Cây cỏ tranh đa số mọc hoang, bộ phận dùng làm thuốc là rễ cây
Phân loại
Tùy theo phương pháp bào chế, rễ cỏ tranh có thể được phân thành nhiều dạng khác nhau, mỗi dạng lại có công dụng riêng biệt:
- Sinh mao căn: Rễ cỏ tranh tươi, được rửa sạch và thái nhỏ.
- Bạch mao căn: Rễ cỏ tranh được tẩm nước, làm mềm rồi cắt khúc, phơi khô và sàng bỏ chất vụn.
- Mao căn thán: Bạch mao căn được sao đến khi chuyển màu đen, sau đó đem phơi khô.
Công dụng của nước cỏ tranh
Nước rễ cỏ tranh không chỉ là thành phần quen thuộc trong các loại nước giải nhiệt mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới góc độ Đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu và giải độc hiệu quả.
Thanh nhiệt, giải khát
Rễ cỏ tranh có tác dụng làm mát cơ thể, đặc biệt trong những ngày hè oi bức. Nhờ chứa nhiều đường tự nhiên, loại nước này giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi năng lượng, giảm tình trạng nóng trong và khô họng.
Tiêu ứ huyết, hỗ trợ điều trị xuất huyết
Rễ cỏ tranh có khả năng giúp tiêu ứ huyết, làm mát máu và cầm máu. Do đó, trong Đông y, nó thường được dùng để hỗ trợ điều trị các chứng chảy máu cam, tiểu ra máu hay các bệnh lý liên quan đến huyết nhiệt.
Lợi tiểu, hỗ trợ điều trị bí tiểu
Nhờ đặc tính lợi tiểu, rễ cỏ tranh giúp làm sạch đường tiết niệu, hỗ trợ điều trị các bệnh như bí tiểu, viêm nhiễm đường tiểu và tiểu rắt. Đặc biệt, đây là một trong những thảo dược tự nhiên giúp thận hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ hình thành sỏi thận.
Thanh phế vị nhiệt, hỗ trợ chức năng tiêu hóa
Rễ cỏ tranh có tác dụng làm mát phế vị, giúp làm dịu hệ tiêu hóa, giảm các triệu chứng như viêm loét dạ dày, ợ nóng và táo bón.

Uống nước rễ tranh có nhiều tác dụng
Các bài thuốc từ rễ cỏ tranh (bạch mao căn):
Trị chứng khô họng, khô miệng do tân dịch vị bị hao tổn
Lấy 16g rễ cỏ tranh cùng với các loại thảo dược khác như 16g đinh lăng, 10g cam thảo, 10g sơn thù, 12g sa sâm, 16g hoài sơn, 8g đan bì, 16g đinh lăng, 12g khởi tử, 10g trạch tả, 12g mạch môn, 20g cát căn. Mỗi ngày sắc 1 thang và chia làm 2 lần.
Chữa xuất huyết đường tiêu hóa
Rễ cây cỏ tranh khô 20g sắc chung với 6g cây a giao, 21g củ gừng nướng cháy, 12g thục địa và 16g trắc bạch diệp. Sắc và chia thuốc uống 2 – 3 lần/ ngày.
Trị sỏi thận bằng rễ cỏ tranh
Sử dụng bạch mao căn 20g, mộc thông 10g, cối xay 16g, kim tiền thảo 10g, đinh lăng 20g, cối xay 16g, mã đề thảo 20g. Sắc thuốc, uống 2 lần mỗi ngày. Dùng liên tục 4 – 5 ngày.
Lợi niệu tiêu phù: Dùng cho người bệnh phù thũng do viêm thận cấp tính, tiểu tiện không lợi; chứng hoàng đản do thấp nhiệt.
Bài 1: bạch mao căn tươi 63g, vỏ dưa hấu 63g, râu ngô 12g, xích tiểu đậu 16g. Sắc uống. Trị phù thũng do viêm thận cấp tính.
Bài 2: bạch mao căn tươi (bỏ vỏ áo) 125g - 250g nấu cùng thịt lợn nạc 100 - 150g, ăn. Trị hoàng đản do thấp nhiệt, tiểu tiện không lợi.
Bài 3: bạch mao căn 20g, cam thảo 8g, bắc sa sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Phòng bệnh ho gà.
Thanh nhiệt giáng hỏa: trị các chứng phiền khát do nhiệt ở trong, hen do nhiệt ở phế, nôn mửa do nhiệt ở vị.
Bài 1: bạch mao căn tươi 63g. Sắc uống lúc còn ấm. Trị hen do phế nhiệt.
Bài 2 - Thang mao cát: bạch mao căn 12g, cát căn 12g. Sắc uống lúc còn ấm. Trị chứng ợ nóng.