Giá trị dinh dưỡng của rau ngót
Báo Tuổi trẻ Online dẫn lời bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược (TP.HCM) cho biết, rau ngót hay còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần, mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá nấu canh. Khi làm thuốc thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên, hái lá tươi về dùng ngay.
Một số nghiên cứu cho thấy trong 100g rau ngót có chứa 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 85mg sinh tố C…
Do vậy, rau ngót (so với các rau lá khác) chứa nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A.
Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy, nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Những ai không nên ăn rau ngót?
Phụ nữ đang mang thai
Trong rau ngót chứa lượng lớn chất papaverin tác dụng hỗ trợ giảm đau, hạ huyết áp, co giãn cơ trơn của mạch máu. Khi ăn nhiều rau ngót, chất papaverin trong rau có thể gây tăng co thắt tử cung và dẫn tới sảy thai.
Đặc biệt trong rau ngót sống, độc tính của rau còn mạnh mẽ hơn. Do đó các bà mẹ mang bầu tuyệt đối không được uống nước rau ngót sống.
Người còi xương, loãng xương, thiếu canxi
Dù rau ngót chứa nhiều canxi nhưng sự có mặt của glucocorticoid trong rau ngót lại làm cản trở quá trình hấp thu phốt pho và canxi của cơ thể. Vì vậy những đối tượng bị còi xương, loãng xương hay đang thiếu canxi thì không nên ăn nhiều rau ngót.
Người kém ăn, mất ngủ, người cao tuổi
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rau ngót tác dụng phụ là gây khó thở, giảm ăn uống và khó ngủ ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi và thể chất yếu.
Những tác dụng phụ có thể giảm thiểu bằng quá trình nấu nướng, do đó những đối tượng có tiền sử chán ăn, mất ngủ hay người lớn tuổi nên tránh uống nước rau ngót sống, nếu ăn rau ngót đã nấu chín cũng chỉ nên ăn một lượng nhỏ.
Trên đây là những nhóm người được khuyến cáo không nên ăn rau ngót. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa rau ngót nhé.