Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ra thông báo bán lần thứ 9 bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình- người sáng lập thương hiệu thời trang NEM, được đảm bảo mới 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của NEM.
Tính đến ngày 15/4/2021, số dư của khoản nợ là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi gần 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.
Giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ.
Lâu đời nhất chính là khoản nợ của CTCP Thuý Đạt được BIDV đang đưa ra đấu giá lần thứ 43 bao gồm nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất… Giá khởi điểm hơn 86 tỷ đồng gần đây nhưng vẫn không nhà đầu tư nào mặn mà.
Mặc dù rao bán nhiều lần nhưng khoản nợ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy (tính đến ngày 7/6 có giá trị hơn 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ và lãi là hơn 626 tỷ đồng) vẫn chưa được bán thành công.
Giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra lần thứ 6 là 693 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán cuối tháng 7 và đã giảm 342 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 5 (tức giảm tới 33%). Trong các tài sản đảm bảo, đáng chú ý nhất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crysta; Palace (TP.HCM)
BIDV từng rao bán riêng Crystal Palace vào năm 2019 với giá khởi điểm 535 tỷ đồng rồi giảm xuống 356 tỷ đồng nhưng không thành công.
Không chỉ BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa rao bán hàng loạt tài sản là bất động sản tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn.
Giá khởi điểm cho lần thứ 10 phát mại là hơn 22,3 tỷ đồng cho 6 lô đất tại TP.Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tính đến ngày 30/9, khoản nợ của công ty này tại Vietcombank đã lên đến 34,9 tỷ đồng.
VietinBank cũng 6 lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường với mức giá ra bán giảm 20 tỷ đồng so với lần đầu...
Không ít món nợ ngân hàng rao bán cả chục lần, liên tiếp giảm giá vẫn không tìm được người mua. Việc các ngân hàng dồn dập rao bán nợ cho thấy áp lực xử lý nợ rất lớn từ phía các ngân hàng. Trong khi đó, những khoản nợ quy mô lớn dù giảm giá mạnh cũng khó bán vì thường những khoản nợ này phức tạp và đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh.
Bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng tăng lên rõ rệt qua tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu đã lên tới 7,21%.
Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì tỷ lệ này là 7,21%. Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.
Bạch Hiền (T/h)