Chiều 14/5, tại Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị chủ tịch cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2019.
Hội nghị nhằm quán triệt vai trò trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đê điều, xử lý vi phạm, hộ đê và phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Từ đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, để phòng chống thiên tai hiệu quả, trước hết cần có sự thống nhất về nhận thức của các cấp, ngành, địa phương. Theo quy định pháp luật hiện hành, các đồng chí lãnh đạo các cấp sẽ đều phải chịu trách nhiệm về quá trình quản lý trong ứng phó, phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị chủ tịch cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố phải kiểm tra, rà soát, lên phương án cụ thể để công tác phòng chống bão lụt hiệu quả. Tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, phải luôn xác định bão lũ có thể xảy ra đến bất cứ lúc nào.
Trong năm 2019, các địa phương cần tiếp tranh thủ nguồn vốn của trung ương và huy động nguồn lực để đầu tư cho các công trình phòng chống thiên tai. Hệ thống hạ tầng thông tin cần tiếp tục nâng cấp để đảm bảo thông tin thông suốt khi sự cố xảy ra. Để tăng cường sức chống chịu của hệ thống đê kè, các địa phương nên tham khảo phương án xử lý đê di động.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề liên quan đến công tác tu bổ đê điều, khắc phục sự cố trong bão lũ như: tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, vấn đề vi phạm pháp luật về đê điều, kinh nghiệm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đê điều và hộ đê. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, giao trách nhiệm trong phòng chống thiên tai được nhiều đại biểu đề cập.
Cảnh ngập sâu tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, ngày 31/7/2018. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN |
Chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về khắc phục sự cố an toàn tuyến đê tả Bùi và dân cư (sự cố đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho huyện Chương Mỹ, ảnh hưởng đến hơn 3.000 hộ dân, với trên 12.000 nhân khẩu kéo dài từ 18/7 đến 30/7/2018), ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, khi xảy ra tình huống ngập úng phải nhanh chóng huy động mọi lực lượng, nguồn nội lực và nguồn lực tham gia phòng chống kịp thời. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đặt lên hàng đầu; cần phân công nhiệm vụ và địa bàn chỉ huy cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, từng ngành, từng cấp.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Phòng Chống thiên tai, hệ thống công trình đê biển của nước ta có quy mô lớn, với chiều dài khoảng 9.300 km; trong đó, có 2.900 km đê biển và 6.400 km đê sông.
Việc hộ đê và xử lý đê điều kịp thời sẽ đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong bối cảnh thiên tai, bão lũ đang ngày càng trở nên cực đoan, khốc liệt và khó lường, khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt lịch sử trên các hệ thống sông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thực tế, hệ thống đê hiện nay chưa đảm bảo đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế, khả năng đảm bảo an toàn chống lũ, bão còn thấp. Hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại trên 244 km đê thiếu cao trình; trên 726 km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế; trên 78 km đê bị đùi sủi, thẩm lậu, rò rỉ; 448 cống dưới đê yếu, bị hư hỏng nặng và 220 km kè bị hư hỏng, có diễn biến sạt lở.
Hệ thống đê biển còn 1.983 km chưa đảm bảo chống bão. Hệ thống đê dưới cấp III hầu hết còn nhỏ bé, nguy cơ tràn vỡ cao. Trong mùa mưa bão năm 2019, cả nước có 235 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, thành phố cần xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, sẵn sàng ứng cứu khi có lũ.