+Aa-
    Zalo

    Ra khỏi nhà không xin phép, một phụ nữ Pakistan bị chồng thiêu sống

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những vụ “giết người vì danh dự” từ lâu đã trở thành một “vấn nạn” đầy đau xót tại đất nước Pakistan.

    (ĐSPL) - Những vụ “giết người vì danh dự” từ lâu đã trở thành một “vấn nạn” đầy đau xót tại đất nước Pakistan.

    Theo đó, nạn nhân thường là phụ nữ và hung thủ lại là chính những người thân của họ. Với niềm tin mù quáng rằng nạn nhân đã làm ô danh gia đình và hành động của họ là rửa nhục, tội ác này được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhẹ thì nạn nhân bị xẻo môi, mũi; nặng thì bị treo cổ, chôn sống, ném đá đến chết.

    Và mới đây nhất một phụ nữ Pakistan đã bị chồng và bố chồng thiêu sống chỉ vì rời nhà mà không xin phép. Vụ việc đã để lại một nỗi chua xót khiến người dân nước này một lần nữa biểu tình nhằm phản đối hủ tục khủng khiếp này.

    [mecloud]HSOS93a5I5[/mecloud]

    Bị thiêu sống vì không xin phép khi ra ngoài

    Nạn nhân trong vụ việc thương tâm trên là cô Shabana, 25 tuổi, còn hung thủ chính là chồng và người cha chồng của cô. Suốt những ngày qua gia đình cô gái đã rất phẫn nộ về hành động mất nhân tính của gia đình người thông gia, và đau xót cho số phận của cô con gái xấu số. Sự việc cũng gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận khi những người biết vụ việc ra đường phản đối và lên án hành động giết người vì danh dự man rợ này.

    Người dân biểu tình phản đối "giết người vì danh dự" ở Pakistan - Ảnh: AP.

    Theo đó, sự việc xảy ra tại cảng Manakpur, tỉnh Punjab thuộc miền Trung Pakistan. Hôm đó là vào ngày 17/4, Shabana Bibi nhận được tin chị gái mình bị ốm nên vội vã về nhà thăm chị. Tuy nhiên, trước khi đi Bibi đã không nhớ ra là phải xin phép chồng và gia đình nhà chồng, cô cứ thế trở về nhà đẻ với mong muốn nhanh chóng gặp chị gái để hỏi thăm bệnh tình của chị ra sao chứ không hề biết rằng, cả gia đình chồng cô đang vô cùng tức giận về thái độ “không lễ phép” của cô con dâu.

    Và nỗi tức giận ấy đã trở thành tội ác man rợ trút lên cô gái đáng thương Bibi sau khi cô trở về nhà vào buổi chiều.Theo lời kể của anh trai Bibi thì khi em gái anh trở về nhà, cô đã bị người chồng là Muhammad Siddique chửi bới mắng nhiếc vô cùng thậm tệ về cái tội “ra ngoài mà không xin phép”.

    Không chỉ dừng lại ở chuyện mắng chửi, Bibi còn bị người chồng đánh đập không thương tiếc và cơn tức giận của anh ta lên tới đỉnh điểm khi anh ta cùng cha của mình đã lấy xăng tưới lên người Bibi và thiêu sống cô trước sự kinh hãi của những người hàng xóm láng giềng.

    Bibi vùng vẫy đau đớn trong ngọn lửa và cô gái đáng thương này đã được những người hàng xóm chạy lại cứu và khống chế ngọn lửa. Cô được đưa đến bệnh viện ngay sau đó. Tại đây các bác sĩ đã cấp cứu cho cô với cơ thể bị bỏng đến 80\%, Bibi rơi vào hôn mê sâu cùng với những vết thương nặng. Và chỉ một ngày sau khi nhập viện Bibi đã trút hơi thở cuối cùng trước sự đau xót của bố mẹ và anh chị em trong gia đình cô.

    Anh trai nạn nhân cho biết, em gái anh và người chồng Siddque đã kết hôn được 3 năm nhưng vẫn chưa có con. Chính vì thế mà Siddque không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình và thường xuyên đánh đập vợ. Bibi luôn sống trong sợ hãi và trong những lần ít ỏi được về thăm nhà đẻ, cô thường tâm sự rằng mình không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa.

    Tuy nhiên, khi được mọi người khuyên nên trở lại gia đình chồng cố gắng đẻ một đứa con thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó, Bibi lại nghe lời và tiếp tục cuộc sống chịu đựng tại gia đình chồng, chờ mong đứa con ra đời với hi vọng có thể hóa giải tất cả. Thế nhưng, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ khi cô phải đánh đổi bằng cả mạng sống khi về thăm chị gái mà quên không xin phép gia đình chồng.

    Ngay sau vụ việc xảy ra, người chồng Siddque và cha của anh ta đã bị bắt và bị buộc tội giết người vì danh dự, khủng bố. Được biết cảnh sát thường dùng tội danh “khủng bố” để các trường hợp giết người vì danh dự được hệ thống tư pháp Pakistan xử lí nhanh chóng.

    “Chúng tôi đã bắt chồng và cha chồng của người phụ nữ xấu số. Họ sẽ phải ra tòa vì tội sát nhân và khủng bố”, ông Rai zameer-ul-Ha1, cảnh sát trưởng của quận Muzaffargarth cho biết và nói rằng sẽ nhanh chóng xử lí vụ việc để hạn chế những sự việc tương tự xảy ra.

    Nỗi ám ảnh hủ tục “giết người vì danh dự”

    Theo thống kê mỗi năm có hàng trăm phụ nữ Pakistan mất mạng bởi hành động bạo lực từ những người thân. Một bộ phận đàn ông Pakistan sẵn sàng sát hại vợ, con gái, cháu gái và cả những người phụ nữ ngoài gia tộc để bảo vệ cái mà họ gọi là “danh dự gia đình”. Những vụ án đau lòng dường như đã trở thành nỗi ám ảnh ở đất nước này.

    Hủ tục này tồn tại rất lâu đời ở Pakistan cũng như nhiều nước Hồi giáo khác như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập – nơi đàn ông có quyền hạn tuyệt đối, còn phụ nữ bị xem như nô lệ trong gia đình.

    Dư luận thế giới bắt đầu chú ý đến vấn đề này vào tháng 9/2004, khi cô Samia Sarwar – 29 tuổi, bị bắn chết ngay trong một văn phòng luật sư. Kẻ ra lệnh bắn chết Samia Sarwar chính là bố mẹ cô sau khi cô “bôi tro chát trấu gia đình” với quyết định li dị chồng. Sự việc nghiêm trọng đến mức Tổng thống Penvez Musharraf đã tung ra chiến dịch chống nạn “giết người danh dự”.

    Tiếp theo đó là những vụ việc liên quan đến “danh dự” xảy ra và hậu quả của nó luôn là sinh mạng của những người phụ nữ. Đã có không ít những bà mẹ đau đớn khi con gái đi lấy chồng và mất tích luôn tại nhà chồng. Và đã có không ít người phụ nữ chỉ vì “làm mất danh dự” mà bị chính những người thân trong gia đình mình quy tội và trừng phạt.

    Các số liệu thống kê cho thấy bạo lực đối với người phụ nữ đang càng ngày gia tăng ở đất nước Hồi giáo Pakistan – nơi họ thường xuyên bị đối xử như công dân hạng hai và cũng không hề có bất kì đạo luật nào về phòng, chống bạo lực gia đình. Những nỗ lực của Chính phủ Pakistan trong việc giảm thiểu các vụ “giết người danh dự” đã phát huy tác dụng, song tại các cùng quê nghèo, đây vẫn còn là nỗi khiếp đảm của hàng triệu phụ nữ.

    Bên cạnh đó, luật pháp Pakistan cho phép thân nhân của nạn nhân “tha thứ” cho kẻ giết người để lấy tiền bồi thường. Điều đó có nghĩa là nếu chính thân nhân của nạn nhân đứng ra dàn xếp, hung thủ sẽ không phải đối mặt với công lí.

    Tại một số nơi ở Pakistan, công lí được cho là vẫn đang “sa lầy” vì quyền lực tập trung trong tay các quan chức địa phương. Tình trạng đó thể hiện rõ tại các địa phương như tỉnh Sindh – nơi mà xã hội vẫn còn rất phong kiến với quyền sinh quyền sát nằm trong tay các chủ đất lớn. Và tại những nơi như thế, “giết người danh dự” còn là công cụ để giải quyết các mâu thuẫn hay thậm chí để cướp đất, cướp tiền trắng trợn của những người nghèo.

    Mohammed Hasan là một trong số các nạn nhân và hiện giờ anh phải sống chui lủi để tránh tên chủ đất trong làng. Hắn muốn anh phải từ bỏ mảnh ruộng duy nhất, hoặc phải trả khoảng 8.000 USD để thoát cái tội mà hắn tự bịa ra. Tội đó là anh nói chuyện với một phụ nữ đã có chồng.

    Việc lạm dụng cả đàn ông và phụ nữ nghèo dưới vỏ bọc “danh dự” đã đeo bám người dân Pakistan trong nhiều thế kỉ qua tại quốc gia Nam Á này. Và giờ đây, chính quyền Pakistan dường như không thể bảo vệ người vô tội bởi việc thực thi pháp luật đã trở nên suy yếu đến mức người nghèo luôn sai trong các vụ “giết người danh dự” đầy man rợ.

    HỒNG HÀ

    (Bài đã đăng trên trang Pháp luật & Cuộc sống/chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ra-khoi-nha-khong-xin-phep-mot-phu-nu-pakistan-bi-chong-thieu-song-a95778.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.