+Aa-
    Zalo

    Quyết định hoãn phiên tòa vụ BS Hoàng Công Lương: Bất cập thời gian hoãn xử ngắn khi bị cáo đang phải điều trị bệnh trầm cảm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - TAND TP.Hòa Bình quyết định hoãn xử tới ngày 14/1/2019 vì bác sĩ Hoàng Công Lương không thể tham dự phiên tòa do đang phải điều trị bệnh trầm cảm.

    TAND TP.Hòa Bình quyết định hoãn xử tới ngày 14/1/2019 vì bác sĩ Hoàng Công Lương không thể tham dự phiên tòa do đang phải điều trị bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, nhiều luật sư đã không đồng tình với quyết định này.

    Sáng 8/1, TAND TP.Hòa Bình đưa vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ra xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo liên quan đến việc 9 bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong. Tuy nhiên, quá trình đưa vụ án ra xét xử, mới chỉ có 6/7 bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của tòa. Riêng bác sĩ Hoàng Công Lương, là bị cáo trong vụ án này, vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, 2 người bị hại cùng một số luật sư cũng có đơn xin vắng mặt.

    Đưa ra ý kiến về nội dung này, đại diện VKSND TP.Hòa Bình và luật sư đều đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích cho những người tham gia tố tụng trong vụ án này. Sau khi thảo luận, HĐXX của TAND TP.Hòa Bình đã quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa được ấn định vào ngày 14/1/2019 tới đây.

    Thời gian hoãn phiên tòa quá ngắn

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về quyết định hoãn phiên tòa của TAND TP.Hòa Bình, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho biết: Quyết định hoãn phiên tòa của TAND TP.Hòa Bình là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều mà các luật sư “lăn tăn” là thời gian hoãn phiên tòa quá ngắn, trong khi bác sĩ Lương đang phải điều trị bệnh trầm cảm.

    “Nếu ngày 14/1 xử lại, bác sĩ Lương vẫn không tham gia được vì lý do sức khỏe, mà theo quy định của pháp luật, phiên tòa buộc phải tiếp tục trì hoãn, đây chính là điều bất cập khi HĐXX ấn định thời gian hoãn phiên tòa quá ngắn. Như vậy sẽ làm mất thời gian của những người tham gia phiên tòa”, luật sư Biên nói.

    Cũng theo luật sư Biên, do bị chấn động tâm lý quá dài nên đã dẫn tới việc sức khỏe cũng như thần kinh của bác sĩ Lương có vấn đề và có dấu hiệu bệnh trầm cảm. “Cùng một hành vi nhưng bị thay đổi tội danh tới 3 lần, bản thân bác sĩ Lương không thỏa mãn với cáo buộc của VKS, cộng thêm việc vụ án kéo dài quá lâu nên dẫn đến tâm lý của bác sĩ Lương bị ảnh hưởng là điều tất yếu”, luật sư Biên cho biết.

    Có 6/7 bị cáo có mặt tại phiên xử ngày 8/1. 

    Hoãn phiên tòa là đúng quy định của pháp luật

    Sau quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) nhận định: Chủ thể của tội Vô ý làm chết người là chủ thể thông thường, cụ thể là người đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự thì có thể bị truy cứu TNHS về tội này.

    Luật sư Chiến cho biết, qua nhiều lần thay đổi tội danh, bác sĩ Hoàng Công Lương cũng đã thực hiện quyền của mình là quyền khiếu nại, kiến nghị đề nghị xem xét. Những lần trước xem xét thì không phải tội danh Vi phạm quy định khám chữa bệnh, cũng đã được thay đổi, lần thứ hai khiếu nại không phải tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng truy tố. Đồng thời tại diễn biến phiên tòa, các luật sư cũng đã chứng minh bác sĩ Lương không được giao nhiệm vụ, trách nhiệm, không là chủ thể đặc biệt của tội danh đó nên HĐXX đã trả hồ sơ.

    “Quá trình xem xét lại thì cơ quan điều tra truy tố, một lần nữa thay đổi tội danh bác sĩ Lương về tội Vô ý làm chết người, bác sĩ Lương cũng đã khiếu nại về quyền của mình theo quy định. Kết quả không được như ý mà bác sĩ Lương vẫn bị truy cứu ra tòa, tôi thấy bác sĩ Lương thực sự bị sốc tinh thần. Do vậy, trong thời gian bắt đầu nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tình trạng sức khỏe bác sĩ Lương đã không được tốt và không thể tham dự phiên tòa. Theo quy định của pháp luật thì HĐXX phải quyết định hoãn phiên tòa”, luật sư Chiến nêu quan điểm.

    Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh: “Phiên tòa ngày 8/1 có đầy đủ những người có trách nhiệm về sự cố của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên, vắng mặt bác sĩ Lương. Vấn đề có oan sai hay không còn tùy thuộc vào kết quả, quá trình tranh tụng tại phiên tòa”.

    Sự loay hoay của cơ quan tiến hành tố tụng

    Luật sư Trần Thu Nam (văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự) đánh giá thêm: "Các luật sư đều có quan điểm nhận định chung là bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội. Điều đó đã được minh chứng ở những phiên tòa trước. Một hành vi chỉ cấu thành một tội danh; Qua nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, hành vi của bác sĩ Lương không có gì thay đổi nhưng lại bị chuyển hết từ tội danh này sang tội danh khác. Từ đó cho thấy sự loay hoay của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh".

    Nói về chức trách của bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Nam cho biết cơ quan chức năng chuyên ngành y tế đã đưa ra những nhận định là không có vi phạm gì về quy trình khám chữa bệnh.

    Tham gia bào chữa cho bác sĩ Lương, luật sư Trần Thu Nam đã có nhiều buổi tiếp xúc, làm việc, động viên bác sĩ Lương. Luật sư Nam cho hay: “Dù bị bệnh nhưng tâm lý của bác sĩ Lương vẫn nhất quán từ trước tới nay, rằng mình làm đúng chức trách, chức năng, nhiệm vụ của bác sĩ và bản thân không phạm tội. Bác sĩ Lương sẵn sàng đón nhận áp lực vì xác định “chiến đấu” tới cùng với cơ quan tố tụng không phải là điều đơn giản. Các luật sư và bác sĩ Hoàng Công Lương đều có chung niềm tin không lay chuyển là bác sĩ Lương không có tội”.

    Sức khỏe của bác sĩ Hoàng Công Lương

    Trước đó, ngày 5/1, chị Đinh Thị Huyền Thư (vợ bác sĩ Lương) đã gửi đơn đến TAND TP.Hòa Bình đề nghị xem xét về tình trạng sức khỏe của chồng mình. 
    Theo đơn trình bày của chị Thư nêu rõ: Ngày 24/12/2018, bác sĩ Lương đang phải nằm điều trị tại khoa Nội thần kinh

    – Cơ xương khớp của BVĐK tỉnh Hòa Bình sau khi được gia đình đưa vào cấp cứu hồi 21h ngày 23/12/2018 do hoảng loạn, sốc tâm lý khi nhận được giấy triệu tập bị cáo và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bác sĩ Lương đã phải truyền thuốc, sức khỏe hiện tại vô cùng mệt mỏi và không muốn tiếp xúc với mọi người.

    Sau 2 ngày điều trị ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Lương đã phải chuyển đến bệnh viện Bạch Mai khám và tiếp tục điều trị (tại viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia – bệnh viện Bạch Mai).

    Trong đơn, chị Thư có nói rõ kết quả chẩn đoán xác định chồng chị bị rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm. Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lương phải uống thuốc theo đơn trong vòng 1 tháng và có lịch hẹn tái khám theo quy định.

    Chưa hết, trong khi đang điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Bạch Mai thì đến ngày 30/12/2018, bác sĩ Lương lại nhập viện cấp cứu tại khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Đến nay, bệnh tình của bác sĩ Lương chưa cải thiện và vẫn đang phải điều trị nội trú tại bệnh viện.

    Do vậy, vợ bác sĩ Hoàng Công Lương đề nghị tòa xem xét về điều kiện sức khỏe của chồng mình, không thể có mặt tại phiên tòa vào ngày 8/1/2019 theo giấy triệu tập.

    Tư Viễn

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 6

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quyet-dinh-hoan-phien-toa-vu-bs-hoang-cong-luong-bat-cap-thoi-gian-hoan-xu-ngan-khi-bi-cao-dang-phai-dieu-tri-benh-tram-cam-a258529.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan