(ĐSPL)- Chưa có một con số chính thức thống kê hiện đã có bao nhiêu m2 đất nông nghiệp bị chiếm dụng thành đất ở, nhưng chỉ cần nhìn trên thực tế cũng cho thấy cuộc xâm chiếm đất nông nghiệp đang diễn ra một cách ồ ạt, ngang nhiên và đầy manh động ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Nhà ở, kho xưởng, gara ô tô... và hàng loạt quán ăn vẫn lũ lượt mọc lên như nấm trên đất nông nghiệp, trong khi chính quyền thì lặng im như...“chưa hề có cuộc ra quân”.
Kỳ 1: Những cuộc “di cư” ồ ạt xâm chiếm đất nông nghiệp
Nếu được mạn phép gọi tên cho tình trạng đất nông nghiệp bị xâm chiếm ồ ạt như thời gian qua, bản báo xin được đặt là “cuộc đổ bộ ồ ạt”, bởi nhìn trên bình diện chung thì đi đâu người ta cũng bắt gặp câu chuyện ngang nhiên và đầy phi lý này. Chuyện lạ là những đối tượng “ăn đất”, chiếm đất rồi xây nhà để ở thậm chí là rao bán công khai ầm ĩ bất chấp pháp luật đã và đang diễn ra hàng ngày mà không bị... sờ gáy.
Khi đất nông nghiệp... lên ngôi
Hãy bắt đầu câu chuyện “thật như đùa” về đất đang diễn ra ngay giữa lòng Thủ đô mà cánh PV vừa có dịp “mục sở thị”. Đi theo những lối nhỏ dẫn vào khu trồng quất ở Tứ Liên, Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội), dễ dàng nhận thấy một khu “đô thị” sầm uất ngay trên mảnh đất vốn bao năm nay người ta dùng để trồng đào, quất, hay các loại cây hoa cảnh.
Càng đi sâu vào bên trong những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, cảnh tượng các mái nhà lè tè xen lẫn các ngôi nhà cao 2 tầng được ngụy trang theo kiểu nhà một tầng có gác xép nằm san sát nối nhau càng trở nên sôi động.
Đi xa hơn một đoạn về phía ngoài Đê Bối, trước đây vẫn được xem là vựa quất của cả Hà Nội thì nay cũng đã nhiều thay đổi bằng việc mọc lên các gian nhà có đánh số thứ tự hẳn hoi và được đổ đường bê - tông vào tận ngõ. Những ai đi qua đoạn đê này, nếu không biết, đều nghĩ đây đã trở thành một xóm nhỏ từ bao giờ.
Dịch vụ trông giữ xe lấn chiếm làm tiền đề cho những ngôi nhà sẽ được mọc lên ở đây. |
Thấy chúng tôi có ý định tìm mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, một tiểu thương bán hoa ở chợ Quảng Bá nhanh nhảu chỉ về khu “đô thị” cho biết: “Ngày trước, những khu đất nhìn đâu cũng thấy quất và đào. Cách đây khoảng 7, 8 năm, ban đầu chỉ có một vài hộ dân dựng chòi ngủ lại canh quất tết, về sau không hiểu người tứ xứ ở đâu đổ về. Ban đầu, họ cũng dựng gạch rồi phủ bạt làm mái sống tạm trên những bãi đất bỏ hoang, rồi dần dà không có ai xua đuổi thì họ dựng hẳn nhà cấp 4 kiên cố. Cho đến thời gian gần đây, nó được thương mại hóa bằng các cuộc mua bán trao tay như một thị trường bất động sản thu nhỏ”.
Cách đó không xa, khu vực Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn bấy lâu được nhắc đến như cái “vựa” của thị trường bất động sản đất nông nghiệp ở Thủ đô. Nó đã và đang diễn ra như những cơn sóng “ngầm” của cuộc xâm chiếm đất nông nghiệp ồ ạt.
Theo ghi nhận của PV, đất đai khu vực này cũng đang được các “chủ đất” rao bán vô tội vạ. Bên cạnh những dãy nhà xập xệ được tạo ra từ gạch cũ, mái tôn là những khu đất được xây một lớp gạch theo kiểu phân lô rất rõ ràng.
Với diện tích áng chừng khoảng 3m “mặt tiền”, có độ sâu từ 10 – 12m, các mảnh đất sẽ được tung ra để bán. Còn rất nhiều diện tích phân lô chưa bán sẽ được tận dụng để trồng chuối và rau. Có lẽ, một số ít trong đó còn khá “ế” nên chủ của các khu này còn nhờ các hộ dân đã mua đất ở đây “tiếp thị” cho những người đến hỏi mua về lý lịch mảnh đất và điều kiện sinh sống ở đây khá thuận lợi.
Ở Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), quy mô cũng không kém. Trên những diện tích cách đây vài năm vốn là đất trồng rau muống thì nay đã hình thành nên một khu nhà cấp 4 xây theo kiểu liền kề. Các hộ dân ở đây cho biết, khi có ý định mua đất, họ sẽ được định hướng mua theo những khu có giá tương đương nhau. Những vùng như thế sau này được đổ đường bê - tông chạy ở giữa, các nhà quay mặt vào nhau nhìn xa không khác nào một khu phố nhỏ. Bên cạnh đó, đa số các hộ dân ở đây còn gia công thêm hệ thống cửa sắt, sơn xanh đỏ khá kiên cố. Các hộ dân ở đây cho biết thêm, gần đây chủ đất đã tăng giá tiền từ 1-2 triệu/m2 nhưng vẫn có rất nhiều người đến hỏi mua.
“Nóng ran” chuyện "chống lưng" của chính quyền
Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 10km, khu vực ngoại thành cũng “nóng” chuyện chiếm dụng đất nông nghiệp. Theo phản ánh của người dân xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ), từ năm 2014 đến nay, tại khu đồng Lỗ Thổ (giáp khu công nghiệp Phụng Châu) có nhiều hộ dân tự ý xây dựng nhà tạm, công trình trên đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Không những thế, các hộ còn lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất công (đất lợi hà sông Đáy), xây dựng nhà xưởng, tường bao, trồng cây... nhưng không bị chính quyền xử lý dứt điểm, gây bất bình trong dư luận. Theo tìm hiểu của cánh PV, từ nhiều năm nay, khu đồng Lỗ Thổ bị bỏ hoang, không trồng cây như trước. Mấy năm gần đây, các hộ có đất nông nghiệp tại đây đã mua đi, bán lại nhiều lần cho cả người trong và ngoài địa phương.
Nhà cửa san sát đua nhau mọc lên trên “vựa” đất công Tứ Liên, Quảng Bá (Hà Nội). |
Trong một số liệu được PV bản báo thu thập được, trong đợt kiểm tra hơn 380 trường hợp vi phạm đất đai của TP. Hà Nội cách đây không lâu cho thấy, Đoàn liên ngành phải tập trung xử lý hơn 260 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích; trong đó tập trung nhiều ở các huyện Hoài Đức có gần 50 trường hợp, Quốc Oai với 106 trường hợp, Phú Xuyên là 33 trường hợp và Thường Tín có 27 trường hợp... Riêng các quận, huyện trước đó đã xử lý xong 407 trường hợp.
Việc xử lý các trường hợp vi phạm chỉ như muối bỏ bể, bởi theo thực tế thâm nhập cánh PV nhận thấy, trong quá trình làm thủ tục để sở hữu một mảnh đất, các hộ dân bắt buộc phải thông qua một hệ thống làm giấy tờ viết tay từ trưởng thôn đến chính quyền khu vực. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, các hộ dân sau khi đã tiếp xúc với chủ đất để được hướng dẫn cụ thể về cách thức mua bán và làm giấy tờ, nếu ưng thuận thì họ phải đặt trước một khoản tiền cọc tối thiểu bằng 30\% giá trị mảnh đất. Số tiền này trao tay không có bất cứ một biên nhận giao dịch nào. Các hộ dân mua đất sẽ lấy niềm tin dựa vào các trưởng thôn của các khu vực đó, vì theo lời các chủ đất thì giữa họ và các trưởng thôn có mối quan hệ “khá thân mật”. Đa số trưởng thôn thậm chí là “người trên phường, xã” và còn là chỗ thân cận của các chủ đất nên khi đặt cọc, hầu như các hộ mua đất sẽ không có sự hồ nghi.
Xâu chuỗi lại tất cả các sự việc trên đều có một điểm chung khi những khu đất này ban đầu chỉ xuất hiện một vài hộ dân nhỏ lẻ nhưng nhanh chóng lan rộng. Càng về sau quy mô và ảnh hưởng của nó càng mạnh mẽ vượt tầm kiểm soát khiến chính quyền địa phương chỉ biết dừng ở mức nhắc nhở mà không có động thái nào quyết liệt. Nhiều người hồ nghi rằng, có điều gì khuất tất đằng sau sự “nương tay” của cơ quan quản lý. Câu hỏi này sẽ dần được bản báo làm rõ trong những kỳ tiếp theo.
Quan chức cũng lấn chiếm nhà đất công
Đình đám nhất phải kể đến vụ của ông Hà Hòa Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) lấn chiếm đất công trong quá trình cải tạo dự án mở rộng hồ Dộc Mở trên địa bàn phường Tích Sơn (Vĩnh Yên). Ông này đã lấn 400m2 và xây dựng biệt thự hoành tráng. Ngoài bị xử phạt hành chính, ông Bình còn buộc phải đập bỏ bức tường rào cao hơn 2m để trả lại đất công.
UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng đã công bố quyết định xử phạt đối với gia đình Thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) vì xây dựng quần thể các biệt thự trái phép tại khu vực rừng nam Hải Vân (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu). Theo đó, ngoài việc ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng, khu biệt thự rộng 17.750m2 còn buộc phải phá dỡ.
TRUNG DŨNG – TRẦN QUYẾT
Xem thêm video:
[mecloud]hCwS6UBsaz[/mecloud]