+Aa-
    Zalo

    “Quyền lực ngầm” trong thế giới xà xẻo đất nông nghiệp thành nhà ở (2)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- “Cò đất” đưa ra trăm phương nghìn kế để người mua “sở hữu” một mảnh đất như ý, cũng có từng ấy cách để các đầu nậu biến các thửa đất nông nghiệp thành đất ở.

    (ĐSPL)- Tiền ít, muốn sở hữu mảnh đất giữa lòng Thủ đô xem ra lại không khó như nhiều người nghỉ. Giáp mặt “cò đất” mới thấy thị trường đất nông nghiệp rao bán với giá bèo khá sôi động. “Cò đất” đưa ra trăm phương nghìn kế để người mua “sở hữu” một mảnh đất như ý, cũng có từng ấy cách để các đầu nậu biến các thửa đất nông nghiệp thành đất ở. Chỉ có một sự tréo ngoe là người bỏ tiền túi ra mua đất thật nhưng vẫn mãi sống với... “kiếp trọ”.

    Kỳ 2:  Bóc mẽ chiêu trò biến đất nông nghiệp thành nhà ở

    Hành trình “săn” đất giá bèo

    Trong vai người cần mua đất nền giá rẻ làm nhà ở, chúng tôi gặp “cò đất” tên B. ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội). Người này xăm trổ rồng phượng kín hai bên cánh tay, đầu cạo trọc lóc nhưng vẫn gác cái kính râm lên trên đó. Khi nghe hỏi về giá cả, vị trí đất, “cò” B. giọng khàn đặc liệt kê một loạt: “Muốn mua đất nền giá rẻ thì chỉ có những vị trí xa hơn hoặc ngoài đê, những khu lân cận Tứ Liên có người đặt tiền hết rồi. Ngoài đấy, nhiều chỗ người ta mới san lấp nên giá cũng mềm hơn một tí. Tóm lại, giá tiền tùy vào khu vực và diện tích. Nền thấp nhất để mua được ở đây là 30m2, tương ứng với giá 300 triệu đồng/lô. Các lô ấy có chung một sổ đất nông nghiệp”. Nói rồi B. chỉ tay về phía thửa ruộng bị đổ nham nhở phế thải, gạch vụn, ni-lon, cỏ mọc kín, tính đến mấy năm rồi bị bỏ hoang, nghe đâu là của một khách mua trước đang tính làm nhà.

    Nhiều công trình quy mô được dựng trên đất nông nghiệp.

    Thấy chúng tôi chưa thực sự “kết”, B. tiếp tục “nổ”: “Em thích mảnh nào thì “quyết”, anh đưa đi làm giấy tờ giao nhận. Đặt cọc hơn phân nửa tiền anh mới làm giấy, tuy không có giấy tờ gì quan trọng lắm nhưng phải làm thế cho chắc ăn và sau này không muốn có người khác động vào đất của em thì nên làm sớm. Nếu em muốn xây dựng luôn anh sẽ tạo điều kiện cho điện nước vào tận chân công trình”.

    Lần theo một địa chỉ rao bán khác, chúng tôi tìm về Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội), gặp được “cò đất” tên P.. Đất ở đây được hét giá từ 75-110 triệu đồng/nền 100m2, đều đã được cấp sổ xanh (sổ đất nông nghiệp – PV). Theo lời “cò” P., nếu mua lô đất có nhà cấp bốn xây sẵn thì cộng thêm 2/3 số tiền của lô đất. Khi chúng tôi thắc mắc những khu đất đó muốn vào xây dựng để ở liệu có bị đập phá hoặc thu hồi hay không, thì vị này khẳng định như đinh đóng cột: “Em yên tâm, đất ấy là do chị phát ra. Có vấn đề gì chị chịu trách nhiệm. Đấy! Cả mấy chục hộ dân ở đây đến mấy năm mà có bị sao đâu”.

    Theo một đầu nậu chuyên kinh doanh đất nông nghiệp để ở khu vực Quảng Bá thì với mức giá11 triệu đồng/m2 chắc là vùng 4 ngoài đê, còn với giá từ 15 – 17 triệu đồng là đã có nhà cấp 4 ở được luôn, có sổ thuế với hợp tác xã, không phải đất lấn chiếm ao hồ. Qua tìm hiểu, có thể khẳng định, những ai mua đất này phải nói là thừa tiền và quá liều, bởi khu Quảng Bá chưa thấy ai chuyển sang sổ đỏ được, mãi mãi là đất nông nghiệp và chỉ chấp nhận khi vào dự án thì lấy tiền đền bù thôi.

    Vị đầu nậu này cũng không quên giới thiệu: “Nhà mình cũng còn mấy mảnh nông nghiệp nữa cũng đang rao bán đây nhưng toàn mảnh to 200-300m2 thôi. Nếu có người quen muốn mua đất khu này cứ gọi cho mình 0979xxx568, mình đưa đi xem, đất nghiêm chỉnh, không hề lấn chiếm, chỉ bị hàng xóm lấn của mình thôi, sổ 240m2, đo thực tế còn gần 200m2, hiện đang làm nhà cấp 4 và xây tường bao với giá 15 triệu đồng/m2”.

    “Đất nhà tớ ở phía sau chợ hoa Quảng Bá, hiện tại họ đang xây dựng như công trường, nhà tớ cũng làm nhà cấp 4 rồi”, vị này khẳng định một lần nữa “chắc như đinh” với PV.

    Chi vài trăm triệu đồng... “được” mảnh giấy viết tay

    Quá trình thu thập thông tin về diện tích và cách thức để sở hữu một mảnh đất tại các điểm nóng lấn chiếm đất nông nghiệp, PV không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng, thủ tục lại hết sức đơn giản. Hầu hết các “cò đất” đều có câu trả lời giống nhau khi được hỏi giấy tờ phải làm có phức tạp không? Bởi lẽ, nếu không muốn thông qua một đối tượng thứ ba thì người mua chỉ cần chi một lượng phí “giao dịch” cho “cò” thì có thể gặp trực tiếp chủ đất làm việc. Và để có được một mảnh đất với diện tích 30m2 chỉ cần giấy viết tay là có thể vào ở. Không những thế, khi tiếp xúc với các hộ dân đã mua đất và dựng nhà ở đây, chúng tôi còn biết thêm, sở dĩ họ được “khuyến khích” mua các mảnh đất có diện tích tối thiểu là 30m2 còn bởi lẽ điều này sẽ thuận lợi hơn khi có “biến”.

    Phía sau những cánh cổng đồ sộ là những căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

    Thông tin mà PV thu được từ những người mua đất cho thấy, thông thường các chủ đất không quên trấn an cho các hộ dân ở đây rằng, có thể khi mua chỉ với giá “ba cọc, ba đồng”, sau khi đã  xây nhà kiên cố, muốn bán lại hoàn toàn “không bị lỗ”, thậm chí nếu có giải tỏa thì trên những mảnh đất đã có công trình dân sinh sẽ dễ đòi quyền đền bù với giá cao hơn. Rõ ràng, trong các thương vụ mua bán này, các chủ đất đều cam kết khá chắc chắn về “tương lai” cho những mảnh đất mà họ rao bán. Vì thế, các “thượng đế” mới chi tiền đánh cược cho một nơi an cư nhưng... không an toàn.

    Trong quá trình tìm hiểu, PV bản báo còn phát hiện, các giấy tờ được gọi là “hợp lệ” ở đây sẽ được “cò đất” làm, nhưng việc lên gặp chính quyền sở tại để “thẩm định” lại chủ nhân mới của mảnh đất thì bắt buộc người mua đất phải trực tiếp liên hệ. Điều này “cò đất” lý giải là vừa tạo được các “mối quan hệ”, vừa để người quản lý khu vực đó biết được “thành viên” mới để sau này có “dẹp loạn” thì cũng không bị nhầm. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, các hộ dân sau khi đã tiếp xúc với chủ đất để được hướng dẫn cụ thể về cách thức mua bán và làm giấy tờ, nếu ưng thuận họ phải đặt trước một khoản tiền cọc tối thiểu bằng 30\% giá trị mảnh đất. Số tiền này được trao tay không có bất cứ một biên nhận giao dịch nào. Người mua đất chỉ biết đặt niềm tin vào các trưởng thôn của khu vực đó, vì theo lời các chủ đất thì giữa họ và các tổ trưởng, trưởng thôn có mối quan hệ “khá thân mật”. Họ bảo, tổ trưởng, trưởng thôn, thậm chí là “người trên phường” còn là chỗ thân cận của các chủ đất nên khi đặt cọc hầu như người mua không có sự hồ nghi.

    Chính vì có rất nhiều người quan tâm nên việc “săn” lùng đất nông nghiệp trở thành một trào lưu với cấp độ phủ sóng ngày một rộng. Dần dà trên thị trường này đã phân định rõ cho từng đối tượng chọn mua, người thu nhập thấp thường chọn những mảnh đất nằm xen lẫn với các khu trồng rau hay cây ăn quả, diện tích nhỏ, hợp túi tiền. Còn những đối tượng muốn phát triển trên những diện tích lớn hơn sẽ chọn những khu không quá xa đường quốc lộ. Chính vì ngày càng diễn ra rầm rộ, mốt “săn” đất nông nghiệp nền giá cũng trở nên “chát” hơn.         

    Sai phạm đất đai – điểm nóng của thanh tra

    Trong báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ thể hiện, 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện vi phạm với 57,7ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 2.253 tỉ đồng, 36,9ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 3.435 tỉ đồng, 2,8 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 130 tập thể, 186 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 22 vụ việc, 35 đối tượng. Riêng Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, thiếu sót về kinh tế số tiền 2.867,8 tỉ đồng, 18ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 514,4 tỉ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 337,8 tỉ đồng; chuyển Cơ quan điều tra 8 vụ việc, 11 đối tượng.

    (Đón đọc Kỳ 3: Chính quyền “bảo kê” hay bất lực?)

     TRUNG DŨNG – TRẦN QUYẾT

    Xem thêm video:

    [mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quyen-luc-ngam-trong-the-gioi-xa-xeo-dat-nong-nghiep-thanh-nha-o-2-a105306.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.