+Aa-
    Zalo

    Quy trình thanh tra "quan lộ thần tốc" của nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đề cập thông tin 1 nữ trưởng phòng "thăng tiến bất thường", theo TS Khiển, nếu báo cáo sai, sau này bị lật lại thì đơn vị báo cáo ban đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

    Đề cập tới quy trình thanh tra thông tin nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa "thăng tiến bất thường", theo PGS.TS Nguyễn Hữu Khiển, những cơ quan có trách nhiệm đều biết phải làm thế nào. Tuy nhiên nếu báo cáo sai, sau này bị lật lại thì đơn vị báo cáo ban đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

    Thông tin nữ trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) được cho là "thăng tiến bất thường" và "sở hữu khối tài sản khủng" đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình bổ nhiệm, quy trình thanh tra.

    Quy trình thanh tra nữ trưởng phòng "thăng tiến nhanh bất thường" thế nào?
    UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo ngành thanh tra tỉnh làm rõ quy trình bổ nhiệm nữ trưởng phòng Trần Vũ Quỳnh Anh. Ảnh: Vnexpress

    Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia đã có một số ý kiến về vấn đề này.

    - Vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) - người được một số cơ quan báo chí phản ánh là "thăng tiến nhanh bất thường và sở hữu khối tài sản lớn" đang được dư luận quan tâm. Với thông tin báo chí đăng tải, theo Ông việc bổ nhiệm nữ trưởng phòng này có đúng quy trình?

    - Qua việc một chị ở Thanh Hóa thăng tiến bất thường, theo tôi thế này:

    Một là: cơ quan chủ quản của chị này có công nhận thông tin báo chí đăng tải là có hay không cần có ý kiến rành mạch

    Hai là: nếu có, thì họ cần có trách nhiệm phải giải thích theo đúng quy định trả lời báo chí của cơ quan nhà nước, không nên vòng vo, lái sang hướng khác, trái với yêu cầu của báo chí. Ví như chị này thăng tiến nhanh là có thành tích học tập xuất sắc, thành tích công tác tốt bất thường chẳng hạn. Tôi có đọc trên mạng nói Sở nội vụ nói việc bổ nhiệm cấp phòng thuộc quyền của cấp Sở. Nhưng theo tôi, Sở Nội vụ còn có trách nhiệm tham vấn, trao đổi ngang với các sở hữu quan, hoặc xin ý kiến kiểm tra... sau đó cần báo cáo, kiến nghị. Đó là trách nhiệm, không phải tích cực hay không. Nếu tờ báo nào thông tin sai, sở Xây dựng cần yêu cầu đính chính theo đúng trách nhiệm của một tờ báo.

    Theo tôi, nếu báo chí phản ánh đúng thì việc bổ nhiệm sai là chắc chắn. Cả nước biết, chả nhẽ các ban ngành của tỉnh không biết? Vì không thấy ai, cơ quan nào ý kiến gì trước khi nhận được thông tin, họ cần phải chỉ đạo hoặc phải báo cáo. Trong quản lý nhà nước có việc các cơ quan, tổ chức có chức năng tự kiểm tra. Những người có chức vụ đều được học, bồi dưỡng kiến thức cả mà?

    - Diễn biến gần nhất liên quan đến vụ việc là sáng 8/3, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phát thông báo cho biết, tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao các cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương thanh tra việc bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh; đồng thời làm rõ thông tin bà này "sở hữu khối tài sản lớn". Tuy nhiên, cũng theo thông tin một số báo đăng tải, nữ trưởng phòng này từng bị đồn là có mối quan hệ bất chính với một lãnh đạo cao cấp tỉnh Thanh Hoá. Vậy theo Ông quy trình thanh tra như thế (do các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành chứ không phải Trung ương - PV) có đảm bảo được tính minh bạch, khách quan?

    - Việc có tin đồn về quan hệ, nhất là từ quan hệ liên quan tới việc thăng tiến và có liên quan đến việc nhờ quan hệ đó mà chị này có nhiều tài sản vượt quá thu nhập thì việc kiểm tra để làm rõ là trách nhiệm và cần thiết để thấy báo chí có đăng tải đúng hay không? Như thế các cá nhân, tổ chức liên đới phải báo cáo. Báo cáo thế nào thì đó là trách nhiệm của họ. Còn quy trình, thủ tục và cả kỹ năng của những cơ quan có trách nhiệm họ đều biết phải làm thế nào. Nhưng theo tôi cơ quan báo cáo mà sai, sau này cơ quan khác họ phát hiện, có kết luận khác thì cơ quan có báo cáo ban đầu, ví như Sở xây dựng trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm. Nếu không thì chả ai muốn làm vì sợ đụng chạm, thậm chí còn chạy chọt, tiêu cực nữa. Hiện tượng này không phải hiếm.

    - Từ vụ việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi: trong trường hợp người bị thanh tra chỉ là cấp nhỏ nhưng có thông tin cho rằng là "sân sau" của quan to thì phải có chế tài như thế nào? Hoặc phải xử lý thế nào để không làm mất uy tín của lãnh đạo?

    - Trong thanh tra có quan hệ như thế nào, pháp luật về quyền và trách nhiệm cũng đã rõ. Nếu sự việc là quan trọng, người liên đới có thể còn phải tạm thời không điều hành để phục vụ việc kiểm tra. Những trường hợp này, pháp luật đã đưa ra cả rồi.

    Sáng 6/3, báo Thanh Niên đăng tải bài viết “Quan lộ thần tốc của “hot girl” xứ Thanh” phản ánh về bà Trần Vũ Quỳnh Anh, sinh năm 1986, thường trú tại số 39 Đàn Xã Tắc, phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) có quá trình thăng quan tiến chức rất nhanh.

    Cụ thể, từ năm 2008 - 2010, với tấm bằng Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Nghệ An, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học (hệ tại chức) Trường Đại học Vinh, đầu năm 2011, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa (không qua thi tuyển). Năm 2012, bà Quỳnh Anh được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở này. Từ tháng 10/2013 - 4/2014, bà nghỉ sinh con đầu lòng nhưng đến tháng 4/2015 đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, và chỉ 6 tháng sau (tháng 10/2015), được bổ nhiệm làm Trưởng phòng…

    Bên cạnh xôn xao về sự thăng tiến bất thường nêu trên của bà Quỳnh Anh, dư luận tại Thanh Hóa còn cho rằng nữ trưởng phòng này đang sở hữu nhiều tài sản có giá trị như các biệt thự tại khu đô thị Bình Minh TP Thanh Hóa, khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, ôtô Cadillac Escalade trị giá nhiều tỷ đồng…

    Tuy nhiên, theo Vnexpress đăng tải, ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, khẳng định "không có chuyện nữ trưởng phòng của đơn vị sở hữu nhiều bất động sản lớn như tin đồn". Theo ông này, hàng năm nữ cán bộ đều kê khai tài sản với cơ quan theo quy định.

    Trước đó, vào tháng 9/2016, trên mạng xã hội còn xuất hiện thông tin cho rằng bà Trần Vũ Quỳnh Anh là có quan hệ bất chính với của một lãnh đạo tỉnh ủy Thanh Hóa.

    Ngay sau đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn gửi các cơ quan báo chí, chính thức bác bỏ thông tin vu khống, đồn đoán này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-trinh-thanh-tra-quan-lo-than-toc-cua-nu-truong-phong-o-thanh-hoa-the-nao-a183434.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan