(ĐSPL) - Hoãn phiên toà là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn. Việc hoãn phiên toà chỉ được thực hiện khi có các căn cứ do pháp luật quy định.
Căn cứ hoãn phiên tòa
Vì tính chất quan trọng của sự tham gia tố tụng tại phiên tòa của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng, Bộ luật tố tụng dân sự quy định Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
- Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án mà không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế; vắng mặt Kiểm sát viên trong trường hợp Viện Kiểm sát phải tham gia phiên toà hoặc trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế như quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Trường hợp phải thay đổi người giám định mà không có người khác thay thế như quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế, trừ trường hợp đương sự vẫn yêu cầu tiến hành xét xử như quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Trường hợp người làm chứng, người giám định vắng mặt thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử như quy định tại Điều 204 và Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng như quy định tại các Điều 199, 200, 201và 203 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Trường hợp tại phiên toà khi cần thiết phải giám định lại, giám định bổ sung theo khoản 4 Điều 230.
Bên cạnh đó, nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án buộc phải hoãn phiên tòa (như vắng mặt người làm chứng, người giám định, người phiên dịch) thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do (Điều 215 Bộ luật tố tụng dân sự). Quy định này cho phép Hội đồng xét xử sẽ được tuỳ nghi lựa chọn hoãn hay không hoãn. Trên thực tế, các Hội đồng xét xử thường chọn giải pháp an toàn là hoãn phiên toà. Tuy nhiên, theo chúng tôi Hội đồng xét xử vẫn có thể tiếp tục phiên toà nếu người vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ.
Quy định về thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự |
Ngoài ra, đối với các trường hợp khác theo các Điều 199, 201 Bộ luật tố tụng dân sự thì Hội đồng xét xử giải quyết như sau:
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu nguyên đơn, bị đơn đồng ý.
Thời hạn hoãn phiên tòa
Theo quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự, khi có căn cứ hoãn phiên toà thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Việc hoãn phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Trong trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên toà tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Thời hạn hoãn phiên toà không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở lại phiên toà xét xử vụ án theo đúng quy định, thì sau khi hoãn phiên toà Toà án phải có kế hoạch mở lại phiên toà trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên toà.
Hình thức hoãn phiên tòa
Việc hoãn phiên toà phải được thực hiện bằng một quyết định. Trong quyết định hoãn phiên tòa phải nêu đầy đủ các nội dung về ngày, tháng năm ra quyết định; tên Toà án và họ, tên những người tiến hành tố tụng; vụ án được đưa ra xét xử; lý do của việc hoãn phiên toà; thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Quyết định này được coi như giấy triệu tập mới đối với đương sự.
Trong trường hợp có sự thay đổi về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà, thì Toà án phải thông báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua theo đa số tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản. Đây là điểm mới của Bộ luật tố tụng dân sự so với quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước kia. Pháp luật tố tụng dân sự trước kia không quy định việc hoãn phiên toà phải bằng một quyết định nên dẫn đến việc hoãn phiên toà nhiều khi tuỳ tiện, không đúng các căn cứ do pháp luật quy định.
Thời điểm và thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa
Hoãn phiên toà là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn, nên về nguyên tắc chỉ khi phiên toà được mở thì Toà án mới xác định chính xác được chính xác có căn cứ hoãn hay không, do đó quyền hoãn phiên toà chỉ thuộc về Hội đồng xét xử. Chức năng và mục đích của phiên tòa sơ thẩm dân sự là giải quyết toàn bộ nội dung vụ án. Cho nên khi hoãn phiên toà nội dung vụ án chưa xem xét, tức là thời điểm hoãn phiên toà chỉ xảy ra ở phần thủ tục bắt đầu phiên toà. Về thẩm quyền hoãn phiên tòa, khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà…”. Vì vậy, thời điểm hoãn phiên toà là trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà và quyền ra quyết định hoãn phiên toà là thuộc về Hội đồng xét xử.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử hiện nay còn có nhiều trường hợp việc hoãn phiên toà không thực hiện tại phiên toà mà Thẩm phán tự hoãn phiên toà trước khi mở phiên toà với các lý do như đương sự thông báo trước là sẽ không đến phiên toà vào ngày, giờ theo quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc theo giấy triệu tập, Hội thẩm nhân dân có việc đột xuất không tham gia xét xử được…
Trong trường hợp, lý do mà đương sự đề nghị hoãn phiên tòa là chính đáng hoặc các trường hợp khác thuộc căn cứ hoãn phiên tòa thì khi mở phiên tòa, Hội đồng xét xử vẫn phải hoãn phiên tòa. Do đó, việc Thẩm phán hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa nếu thông báo được cho những người tham gia tố tụng sẽ có lợi cho đương sự có yêu cầu, thuận tiện cho Toà án và tiết kiệm được chi phí tố tụng. Vì vậy, cần sửa khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng: “ Tòa án quyết định hoãn phiên toà…”.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]asJVRqCufv[/mecloud]