+Aa-
    Zalo

    Quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và lương thực cho học sinh trường dân tộc bán trú

    (ĐS&PL) - Từ vụ việc "11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm", hình ảnh bữa cơm thiếu thốn của các em học sinh khiến dư luận không khỏi xót xa. Mặc dù trên thực tế, Chính phủ đã có quy định rất rõ về mức hỗ trợ cho các em học sinh thuộc đối tượng như trong vụ việc được phản ánh... Nhưng do đâu mà các em lại không được ăn đủ no?

    Mới đây, vụ việc "11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm" xảy ra tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) được chương trình Chuyển động 24 giờ (Đài Truyền hình Việt Nam) phản ánh và báo chí đưa tin đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Phải tận mắt chứng kiến những bữa cơm thiếu thốn chỉ có đậu trắng hoặc các em chia nhau chan nước nấu gói mì tôm khiến chúng ta không khỏi xót xa. Sự việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm.

    Sau sự việc xảy ra nhiều người rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các em học sinh học bán trú đặc biệt là ở khu vực khó khăn, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn. Thực tế, Chính phủ đã có quy định rất rõ về mức hỗ trợ cho đối tượng này. Cụ thể, tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã nêu rất rõ mức hỗ trợ cho các học sinh trường dân tộc bán trú; học sinh người dân tộc thiểu số... Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2016.

    Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2016/NĐ-CP mức hỗ trợ cho các em như sau:

    1. Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau:

    a) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;

    b) Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;

    c) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

    quy dinh ve muc ho tro tien an va luong thuc cho hoc sinh truong dan toc ban tru
    Bữa cơm chỉ có chan nước mì hoặc đậu trắng của các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai). Ảnh: Báo Lao động.

    2. Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ:

    a) Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành;

    b) Mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

    c) Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

    d) Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.

    3. Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này: Được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này; được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này tùy theo số lượng học sinh được hưởng và nguồn kinh phí hiện có.

    Tại Nghị định 116 cũng quy định cụ thể đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này cụ thể: 

    1. Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các điều kiện sau:

    a) Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;

    b) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

    Nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

    c) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

    2. Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau:

    a) Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học;

    b) Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
    Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

    3. Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

    Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Dự thảo đề xuất rõ mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên. Theo dự thảo trên, về khoản hỗ trợ tiền ăn. Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 900.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

    Theo dự thảo, về hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) thì mỗi tháng được hỗ trợ là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

    Về hỗ trợ gạo, theo dự thảo mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

    Theo nhiều giáo viên, phụ huynh, chương trình hỗ trợ  theo Nghị định 116 của Chính phủ thể hiện tinh thần nhân văn, tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường. Từ đó, góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

    Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những trường hợp các học sinh không được ăn đủ no, đủ chất, có dấu hiệu bớt xén hỗ trợ... Như đã đưa tin, sau khi báo chí phản ánh vụ việc xảy ra tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà, Lào Cai), sáng 19/12, ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết sau khi họp, UBND huyện Bắc Hà đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 trong 15 ngày kể từ ngày 17/12 để điều tra làm rõ vụ việc.

    Trước đó, ngày 17/12, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với UBND huyện Bắc Hà và ngành giáo dục và đào tạo huyện. Tiếp nhận, nắm bắt thông tin và nghe ý kiến giải trình, UBND huyện Bắc Hà yêu cầu thành lập Tổ kiểm tra gồm: Thanh tra huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, Phòng GD&ĐT huyện, Trung tâm Y tế huyện, UBND xã Hoàng Thu Phố khẩn trương xác minh làm rõ những nội dung báo chí phản ánh.

    Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm xảy ra; việc báo cáo của trường, của ngành cần phải trung thực, khách quan; trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường và những người liên quan cần được xác định rõ. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cần ổn định hoạt động giáo dục, công tác bán trú, nội trú, không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

    Trước đó, theo ảnh ánh, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có những bất thường trong bữa ăn bán trú của học sinh như theo khẩu phần, mỗi em một gói mì tôm, một qủa trứng nhưng thực tế 11 em ăn chung 2 gói. Ngoài ra, thực đơn liên quan đến thịt, giò, rau xanh... được cho cũng có những bất thường...

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-ve-muc-ho-tro-tien-an-va-luong-thuc-cho-hoc-sinh-truong-dan-toc-ban-tru-a603910.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan