(ĐSPL) - Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý.
Hỏi: Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều quán ăn ven đường kinh doanh rất lộn xộn và không an toàn thực phẩm. Cho tôi hỏi, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định nào về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh này không và quy trình kiểm tra, xử lý như thế nào?
Quy định về hoạt động kinh doanh quán ăn ven đường thế nào? - Ảnh minh họa |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Hiện nay, hoạt động kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố được quy định cụ thể tại Thông tư 30/2012/TT-BYT, ngày 05/12/2012 Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực ăn đường phố (Thông tư 30/2012/TT-BYT) và Thông tư 48/2015/TT-BYT, ngày 01/12/2015 Quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y Tế (Thông tư 48/2015/TT-BYT) có hiệu lực từ ngày 15/01/2016. Theo đó:
Hoạt động kiểm tra được tiến hành thông qua 02 hình thức:
- Kiểm tra định kỳ: Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý với tần suất kiểm tra: Không quá 02 lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Không quá 03 lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được Uỷ ban nhân dân huyện/quận ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Không quá 04 lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường quản lý hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Đồng thời, cơ quan Nhà nước có thể tiến hành kiểm tra đột xuất trong các trường hợp sau: Khi có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm, các đợt kiểm tra cao điểm và yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên; Khi có cảnh báo của tổ chức trong nước, nước ngoài và các tổ chức quốc tế liên quan đến an toàn thực phẩm; Theo phản ảnh của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phải kiểm tra những nội dung quy định tại Khoản Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BYT:
Kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy), Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm; lưu mẫu; các quy định khác có liên quan;
Lấy mẫu thức ăn, nguyên liệu thực phẩm để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Việc kiểm tra này được thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 9 Thông tư 48/2015/TT-BYT:
Ban hành quyết định kiểm tra (mẫu quy định tại Phụ lục 02): Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm ban hành quyết định kiểm tra gồm các nội dung sau: Địa bàn và phạm vi kiểm tra, hình thức kiểm tra (kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất), thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra theo trình tự sau đây:
- Công bố quyết định kiểm tra với đối tượng kiểm tra;
- Tiến hành kiểm tra theo các nội dung đã nên trên;
- Lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 05;
- Báo cáo kết quả kiểm tra;
- Ra quyết định xử lý kết quả kiểm tra.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống các quy định điểu chỉnh hoạt động kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm hiệu quả cao nhất. Cơ bản là hoạt động đó cần được các cơ quan chức năng thực hiện đúng đắn nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY HUY