(ĐSPL) – “Việc các gia đình tổ chức đám cưới, đám hỏi cho con em mình chỉ đơn thuần là một tập tục văn hóa, một cách để thông báo tin vui tới rộng rãi bà con chòm xóm, những người họ hàng thân thiết. Những tập tục văn hóa này không có văn bản nào quy định phải xin phép. Do vậy, công an không được pháp luật trao quyền cho phép để ai đó được tổ chức đám hỏi, đám cưới hay không”.
Vừa qua, báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh có đăng tải loạt bài viết “Đám cưới, đám hỏi phải làm đơn xin phép xã”. Điều này được quy định tại xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.
Theo đó, những người dân ở xã Ninh Thạnh Lợi A khi tổ chức đám cưới, đám hỏi… cho con thì phải có đơn xin phép chính quyền địa phương. Mẫu đơn có sẵn ở UBND xã. Người dân điền thông tin, ngày tháng năm có tổ chức tiệc, mời bao nhiêu khách, đặt bao nhiêu bàn, thủ tục tổ chức như thế nào, cam đoan trong suốt bữa tiệc không có chuyện đáng tiếc xảy ra rồi đi xin ý kiến của trưởng ấp, chữ ký và con dấu của trưởng công an xã. Đơn này phải được trưởng ấp chấp nhận, phía công an xã đóng dấu đồng ý và phải hoàn tất trước bữa tiệc ít nhất 3 - 4 ngày.
Quy định này được cơ quan chức năng huyện Hồng Dân giải thích là: Để đảm bảo an ninh trật tự nếu có chuyện đánh nhau xảy ra, để dân bớt hoang phí trong tiệc tùng…
Tại một địa phương khác tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, theo tìm hiểu của PV Báo Đời sông & Pháp luật, trước đây ít năm, người dân muốn tổ chức đám cưới, đám hỏi thì lại phải đặt cọc tiền, cam kết “cuộc vui” phải đảm bảo an ninh trật tự thì chính quyền xã mới cho phép tổ chức.
Một số người dân ở đây cho biết, để tổ chức được một ngày vui trọn vẹn, cặp vợ chồng son phải lên xã làm đơn cam kết bảo đảm an ninh trật tự, đặt cọc mức phí 500.000 đồng, nếu vi phạm sẽ bị phạt số tiền đó. Tuy nhiên, quy định này đã được chính quyền xã dẹp bỏ cách đây hơn 1 năm trước.
Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng và Công lý cho biết, hai người yêu nhau đi đến hôn nhân được đảm bảo pháp lý bằng thủ tục đăng ký kết hôn. Nếu hội đủ điều kiện của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; tự nguyện; không rơi vào trường hợp cấm kết hôn…) thì được quyền đăng ký kết hôn.
Các gia đình tổ chức đám cưới, đám hỏi cho con em mình chỉ đơn thuần là một tập tục văn hóa, một cách để thông báo tin vui tới rộng rãi bà con chòm xóm, những người họ hàng thân thiết.
Những tập tục văn hóa này không có văn bản nào quy định phải xin phép. Do vậy, công an không được pháp luật trao quyền cho phép để ai đó được tổ chức đám hỏi, đám cưới hay không.
Theo luật sư Kiên, tại lễ cưới, lễ ăn hỏi xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, đánh nhau… đã được pháp luật quy định và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính quyền không thể viện lý do đó để quy định người dân phải làm thế này, phải làm thế kia.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trịnh Dũng – Văn phòng Luật sư Trịnh cho rằng, việc ban bố quy định phải xin phép để tổ chức đám cưới, đám hỏi là hành vi vi phạm pháp luật.
“Pháp luật Việt Nam cho phép người dân làm những việc mà pháp luật không cấm. Về việc tổ chức đám cưới, đám hỏi… không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định phải xin phép việc này. Một số địa phương tự đặt ra quy định này là một hành vi trái pháp luật” – Luật sư Dũng phân tích.