+Aa-
    Zalo

    Quy định cấp phép vở diễn một năm: "Cú đá bồi" vào khó khăn của ngành sân khấu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghị định mới về biểu diễn ca múa nhạc, ghi hình sân khấu,… vừa ban hành đã gây bức xúc với các nghệ sĩ.

    Nghị định mới về biểu diễn ca múa nhạc, ghi hình sân khấu,… vừa ban hành đã gây bức xúc với các nghệ sĩ. Quy định ràng buộc tác phẩm sân khấu chỉ được cấp phép biểu diễn trong một năm khiến nhiều nghệ sĩ, bầu show tâm huyết với nghề mệt mỏi, nản lòng và muốn buông tay.

    Quy định mới “lợi bất, cập hại”

    Hai năm qua, sân khấu miền Nam đối diện với muôn vàn khó khăn như lượng khán giả giảm mạnh, bị sự cạnh tranh gay gắt từ các gameshow, nghệ sĩ không còn tâm huyết với sân khấu, khán giả đòi hỏi cao... Từ những khó khăn này, các đơn vị xã hội hóa tiêu biểu một thời như kịch Idecaf, Phú Nhuận... đều hoang mang, cố gắng tìm mọi cách chống chọi, lấy ngắn nuôi dài... Thế nhưng, Nghị định 15/2016/NĐ-CP như một “cú đá bồi” vào ngành sân khấu đang gồng mình chịu lỗ.

    Theo tìm hiểu của PV, trong hoạt động biểu diễn sân khấu, trước khi có Nghị định 15/2016/NĐ-CP, vở diễn chỉ cần duyệt một lần và giấy phép biểu diễn được cấp không thời hạn. Việc duyệt lại một vở diễn đã có giấy phép chỉ khi vở diễn được dàn dựng ở một sân khấu khác hoặc được dàn dựng lại có thay đổi so với bản dựng đã được cấp phép.

    Hiện nay, theo Nghị định mới, “thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”. Thủ tục giấy tờ còn đi kèm với những khoản phí gia hạn lại tương đương với lúc đăng duyệt vở diễn dù không cần đến Hội đồng nghệ thuật. Mức phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn quy định tại Thông tư 288/2016-TT-BTC của bộ Tài chính là 1,5 triệu đồng (thời lượng đến 50 phút), 2 triệu đồng (51-100 phút), 3 triệu đồng (101-150 phút), 3,5 triệu đồng (151- 200 phút) và 5 triệu đồng (201 phút trở lên).

    Với quy định quản lý mới này, các nghệ sĩ làm công tác tổ chức biểu diễn đều cảm thấy không phù hợp, thậm chí là vô lý, làm khó khăn thêm cho tình hình sân khấu hiện nay.

    NSND Hồng Vân cho biết: “Quy định thời hạn giấy phép cho vở diễn trong vòng một năm như thế sẽ làm khó cho việc phổ biến tác phẩm đến công chúng. Những chương trình lưu diễn sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí không cần thiết”.

    Cùng suy nghĩ với đồng nghiệp, nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng trăn trở: “Trong tình hình hiện nay, các sân khấu xã hội hoá ở TP.HCM như chúng tôi đều đang gồng mình bám trụ với nghề vì tiền bán vé không đủ để trả tiền thuê địa điểm biểu diễn và tiền thuế. Giờ còn thêm chi phí và thủ tục kiểm duyệt lại, quả là khó khăn chồng chất khó khăn”.

    Nhiều nghệ sỹ, bầu show khác cũng ngán ngẩm với quy định mới không những không hỗ trợ mà còn làm khó ngành sân khấu.

    Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2017

    Điểm d, khoản 6, Điều 9, Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) nêu rõ: "Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng". Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017.

    “Sân khấu đã ít người diễn rồi mà làm vậy nữa thì tội lắm”

    Ngoài ra, quy định về giấy phép còn gây phiền phức cho sân khấu khi đi lưu diễn và cản trở việc kinh doanh của các đoàn nghệ thuật. Theo đó, thời hạn công diễn một năm cũng sẽ làm hạn chế việc phổ biến rộng rãi tác phẩm sân khấu đến với công chúng, nhất là những người ở các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM.

    Gắn bó với sân khấu cải lương nhiều năm, NSƯT Thanh Kim Huệ cho rằng, quy định đưa ra là hoàn toàn không hợp lý. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Đã cấp giấy phép thì phải cấp vĩnh viễn chứ cấp theo một năm như vậy thì tội người dàn dựng quá, rồi tốn cả công sức kinh phí người ta bỏ ra nữa. Nhỡ một năm sau lại không cấp phép thì sao, tôi thấy điều này không hay. Từ trước đến nay, có ai làm như vậy đâu, như vở Ngêu Sò Ốc Hến đã tồn tại biết bao nhiêu năm rồi.

    Thời điểm này, sân khấu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn giờ còn gặp thêm những điều luật này dễ làm cho người nghệ sĩ nản lắm. Từ khi nghe sẽ có quy định mới, tôi vẫn thấy lạ, trên thế giới hình như cũng đâu có quy định như vậy. Chẳng hạn vở của Shakespeare tồn tại cả trăm năm nay, người ta cũng chỉ có xin phép một lần trước khi ra mắt thôi. Tôi không hiểu rõ mục đích của quy định mới là như thế nào, nhưng một khi đã duyệt rồi, người ta sẽ theo những điều đã duyệt mà làm thôi”.

    NSƯT Phượng Hằng cũng đồng tình với ý kiến của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ. Nữ nghệ sỹ cho biết: “Tôi thấy việc cấp giấy phép biểu diễn trong vòng một năm gây rất nhiều bất lợi, mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là tác giả. Ngày xưa chỉ cấp giấy phép cho đoàn thôi, chứ chưa có việc cấp phép cho một vở diễn. Hiện nay, sân khấu đã ít người diễn rồi mà làm vậy nữa thì tội lắm.Là tác giả, ai cũng muốn tác phẩm của mình được truyền đến khán giả một cách nhanh nhất mà giờ lại ra những luật lệ như vậy, cuộc sống của người nghệ sĩ đã khổ càng khổ thêm”.

    Việc tác phẩm sân khấu chỉ được cấp phép diễn trong một năm gây khó khăn nhiều nhất cho các vở cải lương. Vì vậy, nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết, nghị định này vô lý, rườm rà, gây khó khăn cho nhà tổ chức. Những vở như Tô Ánh Nguyệt, Tô Hiến Thành xử án... từ nhiều năm nay đã được công nhận và cấp phép công diễn. Thế nhưng, khi tổ chức đoàn mang tác phẩm biểu diễn ở Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa..., anh đều mất thời gian, chật vật đi xin duyệt lại, diễn phúc khảo. Mỗi lần như vậy, đoàn phải tốn nhiều chi phí nhưng chưa chắc khi lưu diễn đã được khán giả ủng hộ. Những người tâm huyết với nghề phải gồng mình chịu lỗ và chịu khổ.

    Ông Tôn Thất Cần, Phó phòng Quản lý nghệ thuật, sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM cho biết: “Quy định đó là do Chính phủ ban hành, cấp Sở chúng tôi phải nghiêm túc chấp hành chứ không thể can thiệp. Nhưng, thông qua báo chí, chúng tôi cũng đã nắm bắt được tình hình hoạt động của các đơn vị.

    Hiện tại, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ các đơn vị cấp lại giấy phép khi vở diễn hết hạn mà không thay đổi về nội dung, diễn viên... Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến phản hồi và sẽ trình bày lại với cấp trên là bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, thay đổi nhưng cũng phải có lộ trình cụ thể, không thể nói là làm ngay được”.

    Bộ VH,TT&DL sẽ làm tờ trình gửi Chính phủ

    Trao đổi với PV, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng bộ VH,TT&DL cho biết: “Bộ VH,TT&DL cũng hiểu những băn khoăn của anh em nghệ sĩ ngành biểu diễn. Chúng tôi cũng chủ trương là việc cấp phép sao cho đơn giản nhất để nghệ sĩ làm nghề. Chúng tôi sẽ làm tờ trình lên Chính phủ để tính lại thời hạn hiệu lực của giấy phép biểu diễn vở diễn. Bản thân tôi cũng xuất phát từ một người làm nghệ thuật, nên tôi cũng muốn các vở kịch phải sống lâu để mang giá trị nhân văn đến khán giả, nếu các vở diễn càng tồn tại lâu thì càng thuận lợi cho việc phục vụ khán giả, anh em nghệ sĩ lại có đất diễn.

    Bộ VH,TT&DL sẽ làm tờ trình để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 8/6, tôi đã gửi văn bản này lên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện để Bộ trưởng xem xét, làm các công việc tiếp theo, đồng thời gửi đến Văn phòng Chính phủ. Bộ VH,TT&DL sẽ làm việc trên tinh thần cởi mở, lắng nghe để tạo cho anh em nghệ sĩ có hưng phấn làm nghệ thuật và phát triển sáng tạo văn hoá nước nhà…”.

    Hà Nhân - Dung Nhi

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 23

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-cap-phep-vo-dien-mot-nam-cu-da-boi-vao-kho-khan-cua-nganh-san-khau-a193305.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan