+Aa-
    Zalo

    Quý bà dính bẫy "thần dược" mỹ phẩm tế bào gốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không tiếc tiền để phục hồi sắc đẹp, mong trẻ hóa làn da nhưng nhiều người đã ăn quả đắng từ “thần dược” mỹ phẩm tế bào gốc.

    (ĐSPL) - Không tiếc tiền để phục hồi sắc đẹp, mong trẻ hóa làn da nhưng nhiều người đã ăn quả đắng từ “thần dược” mỹ phẩm tế bào gốc, tiền mất tật mang chỉ vì tin vào quảng cáo trên trời.

    Loạn công nghệ, nguồn gốc và giá

    Tìm hiểu PV được biết, trung bình giá một lần làm đẹp bằng tế bào gốc từ 800 nghìn – 9 triệu đồng, mỗi đợt trị liệu kéo dài trong khoảng 10 lần. Nhưng tại thẩm mỹ viện T., quá trình trị liệu bằng tế bào gốc chỉ trong một lần duy nhất với hai giờ đồng hồ. Gói dịch vụ 5 triệu đồng được bảo hành bốn lần, gói 9 triệu đồng được bảo hành sáu lần.

    Còn tại thẩm mỹ viện K., quá trình trị liệu sẽ làm 10 lần với giá từ 9,6 – 21 triệu đồng. Một nhân viên thẩm mỹ viện tư vấn: “Chỉ cần trị liệu một lần trong hai tiếng rưỡi thì da sẽ trắng, xoá được cả sẹo lõm và tái tạo da tươi mới như da em bé”.

    Nhiều người chọn cách tự mua dụng cụ y khoa về nhà để làm đẹp cho an toàn. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hay.Chị Nguyễn Thanh Ngọc (Hà Nội) chưa hết bàng hoàng, bức xúc khi nhớ lại lần đến thẩm mỹ viện B. để điều trị da bằng tế bào gốc. Chị kể, khi đến thẩm mỹ viện, tận mắt thấy nơi đây dùng chung một cây kim lăn cho các khách hàng, chị ớn lạnh. Nghi ngại chất lượng dịch vụ nên chị không cho nhân viên lăn cây kim còn ròng ròng nước lên mặt mình, đồng thời đề nghị cho xem loại tế bào gốc sẽ bôi. “Họ đưa cho tôi xem mấy sản phẩm sẽ dùng, trong đó không có chữ stem cell (tế bào gốc) nào cả. Hỏi thì nhân viên không giải thích được nên tôi không làm và đề nghị hoàn tiền nhưng không được”, chị Ngọc bức xúc.

    PV tìm đến cửa hàng dụng cụ y tế hỏi mua kim lăn và tế bào gốc, nhân viên giới thiệu các loại có giá từ 300.000 đến hơn 500.000 đồng. Sau đó, nhân viên này bán cho chúng tôi kim lăn có kim dài 2mm. Đọc hướng dẫn trên hộp sản phẩm thấy ghi chỉ được tự dùng tại nhà kim từ 0,3mm trở xuống, trên 0,5mm phải dùng ở các cơ sở y tế và các cơ sở vật lý trị liệu.

    Với sản phẩm tế bào gốc, ngoài loại Juvian của Việt Nam có giá 595.000 đồng thì người bán đưa ra loại Chinjuifa Rekeni của Pháp giá 750.000 đồng/lọ 8ml. Theo giới thiệu, tinh chất tế bào gốc Rekeni được chiết xuất từ nhau cừu, hiệu quả sẽ thấy sau một tuần sử dụng và mua bao nhiêu cũng có.

    Trên hộp đựng và cả sản phẩm đều không thấy ghi nhà nhập khẩu, số công bố mỹ phẩm, tem nhập khẩu… chỉ ghi nơi sản xuất là công ty Chinjuifa, Đài Loan.

    Ông Thạch Ngọc Anh, giám đốc kinh doanh và huấn luyện công ty FNC – công ty chuyên bán mỹ phẩm tế bào gốc sản xuất tại Việt Nam cho biết: “Công ty có nhiều loại sản phẩm giá chênh lệch nhau tuỳ theo nồng độ đậm đặc của dung dịch, giá từ 42.500 đồng đến 2,5 triệu đồng/ống 1ml. Hiện nay, giá sản phẩm trong nước rẻ hơn nhập khẩu từ 2 – 3 lần do tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển và sản xuất. Cuống dây rốn là rác thải y tế, không phải tốn phí”.

    Cũng theo ông Ngọc Anh, sản phẩm ở đây được bác sỹ Thắng (TS. Phan Toàn Thắng, ĐHQG Singapore) chiết xuất tách bỏ nhân tế bào gốc từ màng dây rốn tạo thành dịch nuôi cấy tế bào. Dung dịch này bôi lên sẽ kích thích tế bào gốc dưới da phát triển, đẩy lùi sẹo, rỗ do mụn và tái tạo da.

    Còn tại thẩm mỹ viện X.T, sau khi xem làn da mặt còn đầy sẹo lõm do mụn của chúng tôi, một nhân viên tư vấn cho biết, chi phí là 2 triệu đồng/lần điều trị và phải ít nhất sáu lần mới đạt. Cô cũng tư vấn nên mua bộ sản phẩm kim lăn và tế bào gốc chiết xuất từ quả táo với giá 4,45 triệu đồng ở đây về dùng sẽ lợi hơn!

    Lạm dụng “tế bào gốc” – chuốc hại vào thân

    Trao đổi với PV, TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Hà Nội chia sẻ, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa hay quy ước chính thức nào về mỹ phẩm tế bào gốc. Vì thế, trên các kênh thông tin đại chúng thường coi bất kỳ mỹ phẩm nào có liên quan (trực tiếp hay gián tiếp) đến tế bào gốc (của da người hoặc bất kỳ từ nguồn nào) đều là mỹ phẩm tế bào gốc. Thậm chí, có người coi mỹ phẩm tế bào gốc như một “khái niệm” chỉ cần sản phẩm mỹ phẩm nào đó khiến người tiêu dùng liên tưởng đến tế bào gốc (qua thành phần, qua tác dụng hay chỉ qua từ ngữ có trên nhãn mác) đều được coi là mỹ phẩm tế bào gốc.

    Cơ chế hoạt động của tế bào gốc.

    Khi sử dụng mỹ phẩm từ công nghệ tế bào gốc yêu cầu da phải hoàn toàn không có bệnh. Tuyệt đối không sử dụng cho da bị mụn hoặc dị ứng. Những loại tinh chất tế bào gốc được sử dụng dưới dạng tiêm còn đòi hỏi những yêu cầu ngặt nghèo. Thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ) hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc.Sau nhiều ứng dụng và lâm sàng trên các bệnh nhân có dùng sản phẩm mỹ phẩm dạng dung dịch chiết xuất từ màng dây cuống rốn, chúng tôi nhận định, không phải ai cũng thích hợp với phương pháp làm đẹp này. Người dùng phải chú ý đến mục đích sử dụng, đúng chỉ định tế bào gốc và căn cứ theo tình trạng da (tế bào gốc có tác dụng làm tươi da, căng da nhưng không xoá hoàn toàn được vết nhăn, làm đầy sẹo lõm, trắng da). Nên sử dụng đúng thời gian chỉ định để đạt hiệu quả. Hạn chế sử dụng công nghệ khác tương tác gây ảnh hưởng ngược lại lên tế bào gốc.

    Ngoài ra, ông Hùng khuyến cáo, chị em cần đặc biệt cảnh giác với những sản phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường. Trong mỹ phẩm giả thường trộn thêm thành phần chứa chất Corticoid. Chất này làm mỏng, bào mòn da nên ban đầu người dùng có cảm giác da mịn màng, sáng bóng. Nhưng chỉ sau khoảng một tháng sử dụng, tác dụng phụ của việc sử dụng chất này mới phát tác, gây teo da, viêm da dị ứng với những dấu hiệu, nổi mẩn, mụn đỏ và ngứa. Nếu dùng lâu còn có thể gây suy thận, gan…

    Giá trị “trên trời”

    Bác sỹ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, nhiều nơi đã quảng cáo quá mức về công dụng của phương pháp này như điều trị được 90\% sẹo lõm, rạn da, nám, thâm… Thực chất, lăn kim là một trong các biện pháp cày xới lại da tạo các vết thương nhỏ li ti để da tự tái tạo với sự hỗ trợ của mỹ phẩm.

    Hiệu quả phụ thuộc kỹ thuật lăn, cơ địa người lăn và sản phẩm bôi sau lăn. Nếu đạt tối đa ba yếu tố này thì có hiệu quả hơn 50\% trong trị sẹo nhưng không hiệu quả với nám hay nhăn da. Kim lăn loại tốt chỉ dùng được năm lần và không dùng chung. Mỗi lần dùng xong phải vô trùng đúng cách. “Lăn kim bán trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, không biết làm bằng chất liệu có an toàn cho da hay không, mọi người không nên tự ý làm” – bác sỹ Thanh khuyến cáo.

    Nhiều quảng cáo lập lờ

     Nhiều người tìm mua mỹ phẩm tế bào gốc với hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Ảnh minh họa

    Ths. Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đưa quan điểm, người ta mặc nhiên chỉ dùng từ “tế bào gốc” cho người. Do vậy trong quảng cáo phải nói rõ mỹ phẩm chỉ là ứng dụng công nghệ tế bào gốc và có chứa sản phẩm của tế bào gốc. Với điều trị da có xâm lấn như phương pháp lăn kim bôi mỹ phẩm, Nhà nước kiểm soát quy trình y đức, quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm sử dụng. Người làm chuyên môn phải được đào tạo và cấp giấy hành nghề, kim lăn phải được bộ Y tế kiểm định và cấp phép, quy trình làm phải cụ thể và mỹ phẩm dùng phải rõ bản chất.

    HỒNG NHUNG – THỦY PHẠM

    Xem thêm clip: Cô gái Nam Định không nhận ra mình sau phẫu thuật thẩm mỹ


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-ba-dinh-bay-than-duoc-my-pham-te-bao-goc-a92342.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan