Các tổ chức quốc tế kịch liệt lên án vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Kabul và thành phố Kandahar của Afghanistan hôm 30/4 khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
[presscloud]2331[/presscloud]
Ngày 30/4, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ đánh bom khủng bố cướp đi sinh mạng của hàng chục người, bao gồm nhiều trẻ em và nhà báo tại Afghanistan, đồng thời thể hiện sự quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh của Afghanistan hiện nay.
Ông Guterres nhấn mạnh, mục tiêu tấn công nhằm vào các nhà báo đã cho thấy rõ mối nguy hiểm mà những người làm truyền thông phải đối mặt trong khi tác nghiệp. Ông cũng đồng thời kêu gọi nhanh chóng đưa những kẻ thực hiện hành động tội ác này ra chịu tội trước pháp luật.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres. - Ảnh: AP. |
Cùng ngày, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại, bà Federica Mogherini cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời nhấn mạnh loạt vụ tấn công trên là hành động coi thường luật nhân đạo quốc tế.
Bà Mogherini cam kết, châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm hòa bình và ổn định chính trị tại Afghanistan-quốc gia Nam Á từ lâu đã chìm trong bạo lực đẫm máu do các hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phiến quân Taliban.
Hiện trường vụ đánh bom ở Kabul ngày 30/4. - Ảnh: NYT. |
Ngày 1/5, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa những đối tượng thực hiện, tổ chức tài trợ và cung cấp tài chính cho những vụ tấn công khủng bố ra xét xử. LHQ cũng hối thúc tất cả các quốc gia hợp tác tích cực, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, với Chính phủ Afganistan và tất cả các giới chức liên quan để đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố.
Tổ chức này đã nhắc lại các nghị quyết 1738 (năm 2006) và 2222 (năm 2015), đồng thời tái khẳng định rằng khủng bố dưới mọi hình thức đang là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Lực lượng an ninh chạy đến hiện trường vụ đánh bom. - Ảnh: AP |
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lên án vụ tấn công là “vô nghĩa”. Bà Sanders ca ngợi giới phóng viên Afghanistan là “một minh chứng mạnh mẽ về sự biến đổi của đất nước này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với cánh phóng viên ở trụ sở Lầu Năm Góc rằng “vụ sát hại những nhà báo và các thường dân là lý do rõ ràng nhất cho điều chúng ta đang chống lại”.
Theo ông Mattis, thành phần phiến quân suy yếu ở Afghanistan sở dĩ nhằm vào các nhà báo là vì chúng muốn phá hoại quá trình bầu cử ở nước này, trong bối cảnh một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 10. “Đây là chiêu thông thường của những kẻ sẽ không bao giờ chiến thắng, nên chúng phải dùng đến bom đạn”.
Nhà báo Shah Marai thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở Kabul. - Ảnh: BBC. |
Ngày 30/4, giới chức Afghanistan xác nhận, các nhà báo đã gặp nạn khi đang có mặt tại hiện trường vụ đánh bom thứ nhất để đưa tin và đã trở thành mục tiêu của vụ đánh bom liều chết thứ 2 xảy ra 40 phút sau đó.
Ủy ban An Toàn Phóng viên Afghanistan (AFJSC) xác nhận 9 nhà báo đã thiệt mạng. Đây là con số thương vong tồi tệ nhất đối với những người làm truyền thông trong một vụ tấn công đơn lẻ tại quốc gia này.
Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào 8 giờ sáng giờ địa phương, một kẻ đánh bom liều chết lái xe mô tô kích hoạt thiết bị nổ tại khu vực Shashdarak, thuộc quận Cảnh sát 9 của thành phố, gần tòa nhà Cơ quan tình báo Afghanistan (NDS).
Vụ nổ thứ hai xảy ra khoảng 40 phút sau đó bên ngoài tòa nhà Bộ Phát triển đô thị và nhà ở, khi các nhân viên đang vào văn phòng. Ngoài 31 người thiệt mạng còn có hơn 50 người bị thương.
Vụ tấn công xảy ra tại khu vực an ninh nghiêm ngặt với nhiều trụ sở của các phái đoàn ngoại giao.
Tổ chức IS đã thừa nhận đứng sau 2 vụ nổ đẫm máu này.
Cảnh sát giúp đỡ nạn nhân vụ đánh bom ở Kabul. - Ảnh: Reuters. |
Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp gây nhiều thương vong những ngày qua tại Afghanistan đang cho thấy những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này, bất chấp sự hỗ trợ từ phía Mỹ và các nước đồng minh.
Loạt vụ tấn công khủng bố chính là hồi chuông cảnh báo cho một tiến trình hòa bình cần phải được tiến hành ngay lập tức giữa Chính phủ quốc gia Nam Á này và các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là Taliban, để Afghanistan không trở thành một Syria hay Iraq thứ 2 - nơi mà tổ chức khủng bố IS đã từng phát triển.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)