Với 92,46% số đại biểu có mặt tán thành, sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Luật có 9 chương, 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án;
Thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.
Luật quy định nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng. Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án theo quy định của Luật này.
Luật cũng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Theo đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính…
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Luật này, giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường.
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình. Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường. Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định tại Luật và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Ngoài ra, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Theo đó, người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền được nhận các văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình; tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố cáo; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật và kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Đồng thời, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp này.
Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại…
Ngoài ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) còn quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.