Nâng hạn tuổi phục vụ trong quân đội của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để tránh lãng phí về nguồn lực được sự ủng hộ của các đại biểu họp Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Ngô Minh Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Nâng hạn tuổi phục vụ trong quân đội của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để tránh lãng phí về nguồn lực, đây là nội dung nhận được sự đồng thuận của tất cả các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, chiều 12/11.
Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ
Các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp và thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng tên gọi của dự thảo Luật không bảo đảm sự tôn vinh đối với đội ngũ này. Ông Nguyễn Văn Tiên so sánh: lực lượng công an gọi là sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an, bộ đội gọi là quân nhân chuyên nghiệp, như vậy là thiệt thòi. Ban soạn thảo cần cân nhắc tên gọi đúng tên, đúng nghĩa và đảm bảo sự tôn vinh, nên gọi là Luật về sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và công nhân, viên chức quốc phòng.
Về chức danh, diện bố trí quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được quy định tại Điều 6 dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng hiện nay có bất cập là một vị trí việc làm có nhiều diện bố trí, gây ra sự không thống nhất và không công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) bày tỏ: tình trạng một chức danh nhiều đối tượng đảm nhiệm ảnh hưởng đến chế độ chính sách đãi ngộ, tạo sự bất công bằng, đây là thực tế. Cần gắn vị trí cụ thể với chức danh theo nguyên tắc ở vị trí nếu chức danh là quân nhân chuyên nghiệp sẽ hưởng chế độ chính sách theo quân nhân chuyên nghiệp, nếu chuyển sang vị trí công nhân viên chức quốc phòng sẽ hưởng chế độ chính sách công nhân viên chức quốc phòng và ngược lại.
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất, đó là hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Các đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn), Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác đều đồng tình với việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để đảm bảo nguồn nhân lực cho Quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm lý giải quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng không phải là lực lượng trực tiếp chiến đấu, đối tượng này giống như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay khi họ còn khá trẻ, có sức khỏe, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao, có kinh nghiệm đang rất cần trong quân đội. Quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống cho thấy số năm đóng bảo hiểm xã hội ngắn, thời gian hưởng bảo hiểm xã hội dài, ảnh hưởng đến sự bảo toàn của quỹ bảo hiểm xã hội và không đảm bảo điều kiện để hưởng mức lương hưu 75\% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho rằng kéo dài độ tuổi tại ngũ là phù hợp với các văn bản pháp luật và tránh được sự lãng phí nguồn lực của quân đội. Theo đại biểu, độ tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm, cấp úy quân nhân chuyên nghiệp là 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp là 54 tuổi. Công nhân, viên chức quốc phòng nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi, như vậy vừa đảm bảo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Nếu theo quy định hiện hành, Công nhân, viên chức quốc phòng không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là 75\% sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng và đời sống của họ. Việc quy định quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu ở tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe phục vụ, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, đang cần cho quân đội mà nghỉ hưu sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của quân đội, do đó kéo dài độ tuổi vừa tiết kiệm ngân sách quốc phòng, các chi phí đào tạo thay thế khối quân nhân chuyên nghiệp phục tại ngũ. Tận dụng chất xám của họ, đừng để nghỉ sớm quá, rất tiếc, rất lãng phí – đây là ý kiến của đại biểu Bùi Thị An.
Tán thành nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp, đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị quy định cụ thể hơn về việc kéo dài độ tuổi đối với quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao.Trường hợp quân nhân chuyên nghiệp là chiến đấu viên đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp cần có chính sách quan tâm đặc biệt, trước hết là cần được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ khác cho đến hết tuổi quy định. Trường hợp không thể bố trí vào các chức danh khác và chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, cần có chính sách đặc biệt.
Thống nhất chế độ tiền lương, phụ cấp
Về chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, đa phần các đại biểu thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng cần có chế độ ưu tiên với lực lượng này. Khẳng định những đóng góp lớn của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đối với đất nước, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chia sẻ cử tri rất đồng tình với những ưu tiên cho lực lượng tham gia quân đội. Các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về phụ cấp trách nhiệm đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần rà soát cụ thể chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với chính sách pháp luật hiện hành. Nhận định dự thảo Luật còn nặng về chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho rằng cần có chế độ chính sách ưu tiên, song phải phù hợp với vị trí, nhiệm vụ của từng đối tượng và mức độ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo luật quy định chung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thể hiện sự ưu ái quá lớn về chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, thâm niên, thi tuyển, xét tuyển, hỗ trợ nhà ở, thuê nhà công vụ, phụ cấp nhà ở… Đối tượng này không phải là lực lượng trực tiếp chiến đấu, họ cũng như cán bộ công chức, viên chức dân sự. Đại biểu đề nghị phân tách về chế độ chính sách giữa quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cho phù hợp với một số luật khác có liên quan, không làm chênh lệch quá lớn đối với công chức, viên chức và người lao động; bỏ quy định chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được thuê nhà ở công vụ đối với công nhân, viên chức quốc phòng, nghiên cứu hỗ trợ phụ cấp về nhà ở đối với quân nhân chuyên nghiệp.
Đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật về Hội
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, nên còn nặng quy định về quản lý nhà nước đối với hội. Một số vấn đề quan trọng để cụ thể hóa quyền lập hội của công dân như phân loại hội để có sự điều chỉnh phù hợp, vai trò và trách nhiệm xã hội của hội, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hiện quyền lập hội của công dân... chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhiều nội dung là vấn đề nội bộ của hội như tổ chức, hoạt động của hội; việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội; quyền và nghĩa vụ của hội viên, chấm dứt tư cách hội viên... lại được quy định quá chi tiết.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quyền lập hội của công dân; đồng thời, cần phân định rõ những nội dung quy định trong Luật, những vấn đề cần để hội quy định trong điều lệ, loại bỏ các quy định mang nặng tính hành chính hóa đối với các tổ chức hội.
Theo TTXVN