(ĐSPL) - Chiều 23/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân (TCYD) do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, trưng cầu ý dân là hình thức thể hiện đỉnh cao của nền dân chủ.
[mecloud]hJKl6gJ9Yk[/mecloud]
Đánh giá cao những nội dung trong dự án Luật Trưng cầu ý dân (TCYD), ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, trưng cầu ý dân là phù hợp với tư tưởng xây dựng xã hội dân chủ, lấy dân làm gốc của nhà nước. Do đó, việc ban hành Luật là cần thiết. Cũng theo ĐB Cương, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề vô cùng quan trọng cho nên phải tuân theo quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội…
ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): “Trưng cầu ý dân là hình thức thể hiện đỉnh cao của nền dân chủ”. |
Đồng quan điểm với ĐB Cương, ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đánh giá, trưng cầu ý dân là hình thức thể hiện đỉnh cao của nền dân chủ. Theo ĐB Thắm, vấn đề này được quy định trong Hiến pháp 1946 nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy nên tạo điều kiện cho người dân phát huy quyền dân chủ của mình thể hiện sự trọng dân, tin dân, dân chủ trực tiếp.
Cũng theo ĐB Thắm, các cuộc trưng cầu ý dân nên thực hiện trên phạm vi cả nước theo quy định của Hiến pháp. “Chỉ vấn đề lớn liên quan đến cả nước mới trưng cầu ý dân, còn các vấn đề liên quan đến địa phương thì chỉ cần lấy ý kiến nhân dân”, ĐB này nói.
Vị ĐB đến từ đoàn Cần Thơ cũng đề nghị bổ sung Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào chủ thể được quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo ĐB Thắm, Đoàn chủ tịch có quyền đề nghị nhằm tạo kênh thông tin quan trọng để QH xem xét, đề cao quyền của MTTQ trong phát huy vai trò của mình.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đồng tình với quy định trong dự thảo về phạm vi trưng cầu ý dân phải ở tầm quốc gia còn địa phương khu vực thì lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.
ĐB Vinh cũng đồng tình bổ sung thêm Đoàn Chủ tịch MTTQ vào cơ quan có quyền quyết định trưng cầu ý dân vì đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
Đánh giá cao đơn vị chủ trì soạn thảo dự án Luật TCYD, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cũng thống nhất cao với chủ trương có luật là bước tiến dài trong quá trình thực thi Hiến pháp. Trong khi đó, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) khẳng định, đây là bước tiến bộ lớn, thỏa mãn sự mong đợi của nhân dân, phù hợp với thế giới.
Trước đó, chiều ngày 3/6, các ĐB đã thảo luận ở tổ về dự án Luật TCYD. Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, hầu hết các ĐBQH đều đánh giá cao những quy định trong dự án Luật và cho thấy sự cần thiết ban hành Luật này.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể các vấn đề Quốc hội trưng cầu ý dân, vấn đề nào không tổ chức trưng cầu ý dân? Các tiêu chí để xác định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn những trường hợp cần trưng cầu ý dân, ví dụ như những vấn đề liên quan đến dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước, các chế định pháp luật quan trọng, dự án kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, những vấn đề phù hợp với Hiến pháp nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhân dân...
ANH ĐỨC - VĂN CHƯƠNG