Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình.
Phát biểu về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tại Việt Nam đợt dịch thứ 4 lây lan nhanh gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa đầy hai tháng số ca nhiễm tăng lên hơn 50.000 người, tổn hại đến sức khoẻ, tâm lý, của cải, công ăn việc làm, an sinh xã hội... Nhưng đến nay, Quốc hội chưa có văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch. Ông cho rằng Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống đại dịch Covid-19.
"Nhân dân cần có nghị quyết để đồng lòng hơn, quyết tâm hơn, Chính phủ cần có nghị quyết của Quốc hội để gắn kết hơn, vững vàng, tự tin để chống dịch hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chống dịch của Việt Nam", đại biểu Trí nhấn mạnh.
Ông Trí nhắc đến một số luật và kế hoạch xây dựng hoặc sửa đổi, thậm chí đã được thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội khoá XIV, nhưng không có tên trong kế hoạch năm 2021.
“Các dự án luật cần sửa như luật Bảo hiểm y tế, luật Phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân, luật Hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người… tất cả đều không đưa vào kỳ họp lần này”, ông Trí bày tỏ cảm giác “hụt hẫng” khi dự án luật Khám chữa bệnh đã trình nhưng bị đưa ra khỏi nội dung kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm cần thiết sửa đổi luật này do hoạt động khám chữa bệnh thay đổi rất nhiều.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Hà Nội góp ý việc nhiều bộ luật đã được thông qua nhưng chưa được triển khai hoặc mới triển khai được một phần, làm lãng phí nguồn lực của Quốc hội.
Đại biểu đoàn Hà Nội bày tỏ: “Quốc hội không nên chỉ bấm nút thông qua mà cần có kế hoạch giám sát. Bởi, luật chỉ thực sự có giá trị khi được áp dụng trong cuộc sống”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đồng tình và cho rằng rất cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không phải lo thủ tục rườm rà mà đôi khi vì khẩn cấp, đặt sức khỏe con người lên trên hết vẫn phải "tặc lưỡi bỏ qua" do lo ngại vi phạm quy định.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, có nhiều hình thức khám chữa bệnh mới đã ra đời, như khám chữa bệnh từ xa Telehealth, nhưng việc triển khai đang rất vướng mắc do không có khung pháp lý, nên chưa thể triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc chữa bệnh, kê đơn từ xa của bác sĩ.
Hoàng Bích
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 7 (Số 30)