Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với 476/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58%.
Đáng chú ý, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng nhấn mạnh rằng, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro bao gồm nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực…
Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng, dầu…
Theo Nghị quyết số 42, tổng nợ xấu xác định tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541.600 tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251.300 tỷ đồng.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).
Bạch Hiền (t/h)