(ĐSPL) - Sự kiện Brexit đang làm EU rạn nứt và ảnh hưởng đến hàng loạt các doanh nghiệp cũng như ngân hàng tại đây, qua đó khiến những công ty Trung Quốc ngày càng có lợi thế hơn trên thị trường Châu Âu.
Tin tức trên báo Tri thức Trực tuyến, trong khi việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tạo ra rất nhiều hỗn loạn và ảnh hưởng xấu đến các thị trường trên thế giới, Trung Quốc lại là quốc gia hưởng lợi.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ mất thăng bằng do ảnh hưởng từ sự hỗn loạn trong EU, đối tác thương mại lớn thứ 2 của quốc gia này.
Một thị trường châu Âu nhỏ hơn và kém ổn định cùng với những người tiêu dùng có ít tiền mặt trong tay không phải là tin tốt cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, Brexit gần như chắc chắn đem về nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính trị của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Khi còn trọn vẹn, EU từng gặp khó khăn trong cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện tại, liên minh rạn vỡ, khối này khó có thể tạo ra sức đối trọng với sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ 2 trên sân khấu thế giới.
Việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tạo ra rất nhiều hỗn loạn và ảnh hưởng xấu đến các thị trường trên thế giới, nhưng lại có lợi cho kinh tế Trung Quốc. |
Hãy nhớ lý do hình thành EU. Những người ủng hộ muốn nhấn mạnh nhiệm vụ của tổ chức là thúc đẩy hòa bình và dân chủ. Thực tế hơn, mục tiêu quan trọng của việc hợp nhất là tăng cường ảnh hưởng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia EU hiểu rằng họ sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu tạo ra một thị trường chung với thể chế và đồng tiền khu vực so với khi họ cạnh tranh với tư cách độc lập. Châu Âu hy vọng sẽ phát triển từ tập hợp các quốc gia giàu có nhưng hay tranh cãi thành một khối kinh tế khổng lồ sánh ngang với Mỹ và gần đây là Trung Quốc.
Trong thực tế, châu Âu gặp nhiều khó khăn trên con đường thực hiện ý tưởng. Chủ nghĩa dân tộc dai dẳng nhiều lần giới hạn khả năng tạo nên một mặt trận chung trên cả vấn đề địa chính trị và thương mại của khối. Đặc biệt, tham vọng của từng nước thành viên trong EU thể hiện rõ sự thất bại.
Trong lý thuyết, với "phiên bản đầy đủ", EU sử dụng sức mạnh đáng kể để tiến vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh công bằng trong thương mại. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, các quốc gia châu Âu thường lãng phí lợi thế bằng cách cạnh tranh với nhau để giành lấy các ưu đãi và đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Thông tin trên Trí thức trẻ, trên thực tế, các thành viên EU lại bỏ mất vị thế của mình để cạnh tranh nhau giành những khoản đầu tư từ Trung Quốc cũng như những ưu đãi kinh tế mà chính quyền Bắc Kinh cam kết.
Sau khi Thủ tướng Anh Cameron có chuyến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đến Bắc Kinh nhằm tìm kiếm các giao dịch thương mại và ưu đãi kinh tế cho nước mình.
Rõ ràng, động thái của Trung Quốc đã gián tiếp khiến EU bị phân tán về lợi ích cũng như gây bất đồng quan điểm trong khối. Hay nói cách khác, việc Trung Quốc đối xử với EU như một nhóm các thị trường thay vì là một khối thống nhất đã gián tiếp làm liên mình này đi đến sự rạn nứt.
Các doanh nghiệp Châu Âu đáng lẽ ra đã có lợi thế hơn nếu EU làm tốt vai trò của mình hơn khi đi đến một chính sách chung đối phó với Trung Quốc. Trong khi những công ty Trung Quốc đang tha hồ mua sắm và sáp nhập tại Châu Âu thì Thủ tướng Merkel đã đến Bắc Kinh và chỉ yếu ớt đưa tuyên bố muốn các doanh nghiệp quốc tế có quyền lợi công bằng tại thị trường Trung Quốc.
Câu chuyện này khá buồn cười khi đáng lẽ ra cả bà Merkel và toàn thể lãnh đạo EU có thể có những biện pháp cứng rắn hơn để buộc Trung Quốc tôn trọng luật chơi thương mại và giành thêm lợi thế cho các công ty nước mình.
Hiện nay, sự kiện Brexit đang làm EU rạn nứt và ảnh hưởng đến hàng loạt các doanh nghiệp cũng như ngân hàng tại đây, qua đó khiến những công ty Trung Quốc ngày càng có lợi thế hơn trên thị trường Châu Âu.
TUYẾT MAI (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin