(ĐSPL) – Từ ngày 4 - 5/12, Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, thực hiện đề án quốc gia 1019, hỗ trợ người khuyết tật.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 37.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 6,2\% dân số toàn tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, đa số sống ở nông thôn, trong đó có 32,5\% thuộc diện nghèo.
Người khuyết tật ở Quảng Trị do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn lao động… và đặc biệt, Quảng Trị là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ và chất độc da cam. Theo dự báo, trong những năm tới, số lượng người khuyết tật ở Quảng Trị chưa thể giảm do tác động ô nhiễm môi trường, hậu quả thiên tai… Sự phân biệt kì thị, nhận thức khác nhau trong xã hội về người khuyết tật là những điều cản trở họ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến nhiều trở ngại trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo |
Hội thảo đã đề cập tới dự án “Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật”. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030 của Hội người khuyết tật là chủ động tham gia thực hiện các chương trình dự án của tỉnh, quốc gia và các tổ chức quốc tế tài trợ đạt hiệu quả cao; tiếp cận các nguồn lực, cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật một cách bình đẳng và hiệu quả; thúc đẩy thực hiện bảo trợ xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội phục hồi chức năng, tư vấn sức khỏe, đào tạo, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Thực hiện được những mục tiêu cụ thể đó, sẽ giúp Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị trở thành đối tác quan trọng và tham gia hiệu quả trong quá trình thực hiện các chiến lược, chương trình, chính sách quốc gia về quyền của người khuyết tật. Từ đó, hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; từng bước tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.