(ĐSPL)- Nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân sau lũ lớn lịch sử, vừa qua tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo ban ngành thực hiện di dân ra khỏi khu vực “núi nhân tạo”.
Theo báo Dân Trí, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát tổng thể các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt khu dân cư vùng “núi nhân tạo” để tiến hành quy hoạch đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo đánh giá của các sở ban ngành cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sau trận mưa lũ lịch sử xảy ra cuối tháng 7 - đầu tháng 8 vừa qua, đã lộ ra nhiều vấn đề bất cập trong việc quy hoạch đô thị của tỉnh Quảng Ninh.
Đáng chú ý, mỗi khi mưa lũ tràn về, hàng trăm hộ dân sống cạnh khu vực bãi thải cao tới hàng trăm mét của các công ty than thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam lại nơm nớp lo sợ về vấn đề sạt lở, lũ bùn thải.
Những quả núi nhân tạo tại Quảng Ninh. |
Cụ thể, trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua, chiều ngày 27/7, tại TP Cẩm Phả, lượng nước lớn từ khu vực bãi thải Đông Cao Sơn và khu vực H10, phường Mông Dương dồn xuống hạ lưu tiêu thoát không kịp, kéo theo bùn đất tràn vào khu 4 phường Mông Dương, gây ra trận lũ bùn nghiêm trọng khiến 94 hộ dân với 350 nhân khẩu thuộc tổ 1 và 2 khu 4 đã phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn chỉnh các công việc liên quan đến hỗ trợ thiệt hại để ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân khôi phục hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp.
Đối với các hộ dân không thể quay về nơi ở cũ thì các cơ quan chức năng cần xem xét tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho người dân có tiền thuê nhà; các địa phương phải xác định khu tái định cư, địa điểm tái định cư, thông báo cho người dân biết, tập trung chỉ đạo phấn đấu đưa người dân về nơi ở trước Tết Nguyên đán 2016.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thông tin, về lâu dài tỉnh Quảng Ninh xây dựng đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng di dời người dân ra khỏi khu vực các chân núi bãi thải (“núi nhân tạo”).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thiện đề án di dân tổng thể trên địa bàn tỉnh và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2015.
Việc di dân ra khỏi vùng "núi nhân tạo" là một chương trình lớn, có tầm vĩ mô, lâu dài
Trước đó, vào chiều ngày 31/7, trong chuyến công tác làm việc với tỉnh Quảng Ninh về vấn đề khắc phục hậu quả trong mưa lũ, sau khi nghe báo cáo của ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, đề cập đến việc quy hoạch khu dân cư trong vùng nguy cơ sạt lở cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã đồng ý về chủ trương của tỉnh Quảng Ninh trong việc việc thực hiện quy hoạch di dời một số khu dân cư và giao Bộ Tài chính tập hợp các kiến nghị, đề xuất, sớm trình Chính phủ giải quyết kịp thời cho tỉnh Quảng Ninh.
Cần phải quan tâm đặc biệt tới khu dân cư quanh vùng “núi nhân tạo”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, “đây là một chương trình lớn, có tầm vĩ mô, lâu dài. Hiện nay, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương thống kê, rà soát các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao và có bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng cần phải di dời.
Mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh hồi tháng 7 đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. |
Theo đó, các địa phương sẽ gửi báo cáo về Sở Xây dựng để Sở xây dựng có căn cứ, phối hợp với các sở, ban ngành khác lập đề án để án quy hoạch khu dân cư”.
Ông Tuấn cho biết, “Đề án quy hoạch khu dân cư có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nên các cơ quan chức năng đang tính toán rất kỹ lưỡng về các yếu tố xã hội, văn hóa sinh hoạt...trong quá trình xây dựng đề án đến nay chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi của người dân. Tuy nhiên tâm lý chung của người dân thì ai cũng mong muốn được di dời đến một nơi an toàn”.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, theo lộ trình đến ngày 30/9/2015, Sở Xây dựng sẽ trình đề án quy hoạch khu dân cư lên UBND tỉnh để xem xét.
Báo Nhân dân đưa tin, theo số liệu thống kê trên toàn tỉnh Quảng Ninh, hiện có 9 bãi thải than, trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai khu vực TP Hạ Long và TP Cẩm Phả.
Hàng trăm triệu mét khối đất, đá sau khai thác than đổ ra mỗi năm, tạo nên những quả núi nhân tạo với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến hàng trăm mét. Đất, đá tại những bãi thải than này thường xốp và rất dễ gây ra sạt lở.
Theo cách tính của ngành than, trong quá trình sản xuất, mỗi năm, các cơ sở sản xuất than thải ra môi trường hàng chục triệu mét khối nước không qua xử lý, hàng triệu mét khối đất đá thải tại khai trường, kéo theo hàng trăm héc-ta thảm thực vật bị phá hủy.
Để sản xuất một tấn than cần bóc tách 8 đến 10 m3 đất, thải ra từ 1 đến 3 mét khối nước thải mỏ. Cứ theo cách tính này, TKV đã để lại vô số ngọn núi chất thải rắn, bể chứa chất thải lỏng sau khai thác than. Và đây cũng chính là mối nguy hiểm về ô nhiễm môi trường và nguy cơ sạt lở đất, đá xuống các khu dân cư sống ở khu vực chân các bãi thải.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]jg1xk3Hw93[/mecloud]