Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo trên phương tiện giao thông không cần phải xin giấy phép trước khi thực hiện. Tuy nhiên theo Điều 29 của Luật này, mẫu quảng cáo phải được gửi hồ sơ lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương để được kiểm duyệt trước khi đưa vào sử dụng. Quy định này nhằm hạn chế trường hợp quảng cáo vi phạm pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục và gây mất mỹ quan đô thị.
Tại điều 32 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định cụ thể về việc quảng cáo trên phương tiện giao thông. Theo đó, những vị trí không được phép dán quảng cáo trên ô tô gồm mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không vượt quá 50% bề mặt cho phép dán.
Ngoài ra, chủ xe phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe.
Dựa trên các quy định pháp luật, một số loại sản phẩm sau đây không được phép dán quảng cáo trên xe:
Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của bác sĩ.
Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật: Các sản phẩm này bao gồm ma túy, vũ khí, hàng giả, hàng cấm...
Thuốc lá: Quảng cáo thuốc lá bị cấm hoàn toàn theo quy định của pháp luật.
Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên: Việc quảng cáo rượu bia trên phương tiện giao thông bị nghiêm cấm để tránh tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và an toàn giao thông.
Các sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục: Những sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội và trẻ em.
Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực: Các sản phẩm này có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo khoản 49 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Đồng thời, buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.