(ĐSPL) - Theo cảm quan của những người được chiêm ngưỡng 4 bức tượng cổ tại chùa Hoằng Phúc, thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), có khả năng tượng được làm bằng đồng và đất nung. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các bức tượng đã bị hư hỏng nhiều nhưng thần thái và đường nét dường như vẫn tương đối nguyên vẹn.
Chùa Hoằng Phúc đã bị xuống cấp nặng nề, hiện đang được tôn tạo lại. |
Chùa Hoằng Phúc (còn gọi chùa Quan) là ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Quảng Bình. Ngôi chùa này đã được nhắc đến trong nhiều cuốn sách lịch sử và gắn liền với quá trình hình thành, phát triển Phật giáo của một vùng đất. Sách Đại Nam nhất thống chí có viết: “Chùa Hoằng Phúc ở Phường Thuận Trạch do Thái tổ Hoàng đế bản triều dựng lại trên nền đất cũ lần thứ 52, gọi là chùa Kính Thiên”.
Dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo khá phát triển và cũng rất nhiều chùa trong cả nước được trùng tu xây dựng, trong đó có chùa Hoằng Phúc. Nơi đây không chỉ được biết đến là ngôi chùa cổ mà nó còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước qua các thời kỳ. Chùa là nơi che dấu và nuôi nấng nhiều chiến sỹ cách mạng. Cũng vì trải qua nhiều biến cố của lịch sử dân tộc, chùa Hoằng Phúc đã bị tàn phá nặng nề.
Theo người dân địa phương, vào năm 1985, sau một trận bão lớn ,chùa Hoằng Phúc bị đổ sập nên họ đã cùng nhau đào hố chôn các bức tượng này nhằm giữ nó ở nơi vốn có. Do địa phương không có kinh phí để tôn tạo nên ngôi chùa ngày càng bị xuống cấp nặng nề.
Bốn pho tượng cổ được phát hiện trong quá trình khai quật. |
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh và quyết định nâng cấp, tôn tạo Chùa Hoằng Phúc với hy vọng xây dựng chùa về đúng nguyên trạng, vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Đơn vị thi công tiến hành khai quật phần bệ thờ ngoài trời của ngôi chùa đã phát hiện 4 bức tượng cổ. Trong đó 3 bức tượng lớn có dáng dấp của các vị quan, còn bức tượng nhỏ gọi là cửu long rồng được chạm khắc tinh xảo và vẫn giữ được nguyên vẹn hình dáng. Một bức tượng đã bị gãy cổ trong khi đào bới.
Hiện, các bức tượng đang được UBND xã Mỹ Thủy cất giữ trong quá trình chùa Hoằng Phúc hoàn thiện và chờ các nhà nghiên cứu vào cuộc để xác định niên đại.