Theo Nhân Dân, người đàn ông sinh năm1956, trú tại xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch.
Người nhà nạn nhân cho biết, cách đây 2 tháng nạn nhân bị một con chó thả rông cắn vào chân phải, có chảy máu.
Sau khi bị chó cắn, người đàn ông này không đi tiêm phòng dại và sức khỏe bình thường. Cuối tháng 1, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau nhức lưng và đến sáng 2/2, bệnh nhân được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Một ngày sau, người bệnh chuyển đi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán bị mắc bệnh dại. Sau đó, nạn nhân được người nhà đưa về quê và tử vong ngày 5/2.
Nhận được thông tin, chiều 5/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cử lực lượng về xã Mỹ Trạch điều tra dịch tễ, phát hiện 1 trường hợp liên quan đến bệnh nhân đã tử vong.
Đó là một thanh niên sinh năm 1987, ở cùng địa phương, tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân tử vong. Rất may, người này đã kịp thời tiêm kháng huyết thanh dại và vaccine phòng bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch, Trạm Y tế xã Mỹ Trạch tiếp tục điều tra, xác minh các trường hợp liên quan tại xã Mỹ Trạch; cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng, chống bệnh dại cho các gia đình liên quan và người dân. Đồng thời, đề xuất Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó tại xã Mỹ Trạch.
Cần làm gì ngay sau khi bị chó cắn?
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của virus dại.
Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật là: sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Tiêm vaccine dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu bạn bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Theo Cục Y tế dự phòng, cần áp dụng PEP trong các điều kiện sau đây: nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; nếu con vật đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, nếu kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính, thông tin trên báo Thanh Niên.
Thùy Dung (T/h)