(ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài ở miền Trung đã khiến một số nơi bị chia cắt do ngập lụt cục bộ. Riêng ở tỉnh Quảng Bình, hơn 5.000 nhà dân đã bị ngập, 1 người tử vong.
Báo Tin Tức cho biết, tính đến 8h ngày 1/11, mưa lớn đã làm hơn 5.000 nhà dân ở tỉnh Quảng Bình bị ngập từ 0,2 - gần 3m.
[mecloud]dEGhEzHNsc[/mecloud]
Trong đó, tại huyện Quảng Ninh, hơn 1.000 nhà bị ngập , thị xã Ba Đồn có gần 1.200 nhà, huyện Bố Trạch có hơn 150 nhà, huyện Quảng Trạch hơn 1.000 nhà, huyện rốn lũ Tuyên Hóa có gần 2.000 nhà bị ngập (riêng ở các thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân thuộc xã Cao Quảng, thôn Lạc Sơn thuộc xã Châu Hóa có 194 hộ bị cô lập).
Nước dâng cao tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sáng 31/10. Ảnh: Vietnamnet. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, từ chiều tối 30/10 đến sáng 1/11, trên địa bàn huyện có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, nước một số nơi đang lên cao. Các xã như Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn bị ngập.
Trong sáng 1/11, lãnh đạo và đoàn công tác của huyện Quảng Ninh đã đi kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc công điện của tỉnh về phòng, chống và ứng phó với mưa lũ; đồng thời thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, cắt cử cán bộ, lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn, giúp dân xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Báo Tiền Phong đưa tin, báo cáo của Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Quảng Bình cho thấy mưa lũ đã gây thiệt hại về người.
Theo đó, nạn nhân là ông Trần Minh H. (SN 1963, trú thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch.
Trước đó, vào khoảng 5h ngày 31/10, ông H. đến tàu cá tát nước thì bị ngã và tử vong.
Nguồn tin cho hay, mưa lớn còn khiến hệ thống giao thông ở các địa phương cũng bị ngập nước và sạt lở một số đoạn. Cụ thể: tại ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), đường vào bản Pơ Loang, Zìn Zìn, Dốc Mây, Trung Sơn thuộc xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), đường Hồ Chí Minh thuộc km945 đến 946 và đoạn đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa).
Ngoài ra, trên Quốc lộ 12A đoạn Km33+600 đến km33+800 và km68+800; đường qua các xã Mai Hóa, Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa); xã Tân Hóa, Cầu tràn đi các thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa (huyện miền núi Minh Hóa) bị ngập sâu.
Hiện, các thôn Kim Bảng của xã Minh Hóa đã bị chia cắt, các phương tiện không thể qua lại được. Các Ngầm khe Mưng, khe Đèng, Ngầm khe Bẹ ngập từ 2 - 4m; đường 559B (Km2+800) qua xã Quảng Sơn đất sạt lở đang ách tắc. Tuyến đường sắt, đoạn Khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ bị xói trôi nền đá gây tắc đường, hiện đã được thông tuyến.
Người dân xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn đưa trâu bò lên chỗ cao tránh lũ. Ảnh: TTXVN. |
Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đã đưa ra tin cảnh báo lũ trên các sông từ Nghệ An đến Khánh Hòa.
Theo đó, từ ngày 1 - 5/11, trên các sông từ Nghệ An đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên mức BĐ3; các sông ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa phổ biến ở mức BĐ1- BĐ2, có nơi trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.
Hiện nay, ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh ven biển Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, riêng Hà Tĩnh - Phú Yên có mưa to đến rất to. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2 - 3m.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện nay các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ, lượng nước trung bình đạt từ 70 - 80% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Trung Thuần 100%, Tiên Lang 98% (Quảng Bình); Bảo Đài 86%, Trung Chi 97% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 98%, Mỹ Xuyên 78% (Thừa Thiên Huế).
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: 1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". |
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]xpNqlnrFvW[/mecloud]