+Aa-
    Zalo

    Quảng Bình: Diêm dân 'khóc ròng" khi muối rớt giá thê thảm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trước việc đầu ra hạt muối giảm mạnh, cuộc sống của hàng ngàn diêm dân ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lâm cảnh lao đao.

    (ĐSPL) - Nếu như trước đây người ta nói, nghề làm muối chỉ cần làm 3 tháng là đủ ăn cả năm, thì hiện nay, trước việc đầu ra hạt muối giảm mạnh khiến cuộc sống của hàng ngàn diêm dân ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lâm vào cảnh lao đao.

    Cách đây vài năm, gia đình ông Trương Ngọc Cảnh, thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với sức lao động của 2 vợ chồng, làm muối 3 tháng vào mùa khô cũng đủ ăn cho những tháng còn lại. Chỉ cần 0,5 héc ta ruộng muối trong một mùa cũng đem lại thu nhập cho gia đình gần khoảng 30 triệu đồng. Không chỉ có vậy, những đứa con của ông cũng học được cách làm muối truyền thống của làng và bắt đầu ổn định cuộc sống, mua sắm được nhiều vật dụng  trong nhà.

    Tưởng như cái nghề truyền thống của làng Phú Lộc bao đời nay sẽ làm cho gia đình ông và  bao gia đình khác khấm khá đi lên thay vì làm ruộng, cuộc sống bấp bênh, thế nhưng, sau một vụ muối năm nay, ông Cảnh lại phải tìm cách bán từng tạ muối với giá bèo bọt và còn phải để vợ con đi rao bán ra ngoài chợ.

    Buồn bã sau một vụ muối thất thu, ông Cảnh nói: “Thực ra năm nay thời tiết nắng nhiều nên rất thuận lợi cho việc làm muối. Những tưởng giá muối sẽ ổn định như mọi năm thì chúng tôi có thể có thu nhập, nhưng không ngờ giá muối chỉ được một nửa so với mọi năm. Đầu mùa thì giá vẫn ổn định là 150.000 đồng/ tạ, nhưng cuối vụ giá nhập cho thương lái địa phương chỉ được 80.000 đồng/ tạ thôi.” 

    Ông Cảnh buồn bã khi suy tính về vụ muối sắp tới.

    Qua tìm hiểu được biết, tại thôn Phú Lộc có hơn 3700 nhân khẩu và hầu hết người dân thu nhập chủ yếu bằng nghề làm muối suốt bao đời nay. Với diện tích gần 230ha đã đem lại sản lượng hơn 12.000 tấn, năm 2015, Phú Lộc cũng được xem là nơi sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Quảng Bình.

    Dẫu biết rằng nghề muối đem lại thu nhập không cao nhưng lại là nghề truyền thống nên mấy năm gần đây địa phương này cũng đã khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khi người dân ồ ạt sản xuất thì cũng là lúc giá muối tuột dốc đi xuống.

    Tận dụng nước của cửa biển, cả thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) làm muối suốt bao đời nay. 

    Chị Nguyễn Thị Hồng, một người làm muối cho biết: “Thông thường thì đầu vụ thì lúc nào giá muối cũng cao nhưng do chúng tôi không có chỗ bảo quản nên không có cách nào khác là làm đến đâu bán đến đó. Bởi để ngoài đồng thì không được, chỉ cần một trận mưa thì coi như công cốc. Chính vì thế mà chúng tôi không thể nào kiểm soát được hàng hóa mà mình ra, làm đến đâu thì gặp ai hỏi mua thì bán đến đó để gỡ đôi đồng tiền công thôi, làm muối thì vất vả chỉ biết canh trời và canh giá bán”.

    Chị Hồng mệt mỏi nói tiếp: “Cả năm chỉ chờ vào 3 tháng hè để làm muối mà giá thấp như thế này không biết có đủ tiền để mua gạo ăn cho cả năm không nữa, đó chưa nói đến là nuôi con ăn học”.


    Diêm dân lao đao khi giá muối xuống thấp.

    Luôn trăn trở với nghề muối của diêm dân, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho hay, năm 2014 giá muối lên cao, dao động từ 1,6 –1,9 triệu đồng/tấn nên chính quyền xã đã khuyến khích diêm dân mở rộng thêm diện tích.

    Năm nay, tuy mới bước vào chính vụ nhưng giá muối đã “tuột dốc không phanh”. Việc tìm đầu ra cho muối Quảng Phú cũng là một “bài toán” nan giải mà chính quyền luôn trăn trở.

    Ông Dũng cũng thông tin thêm: “Cách đây 1 năm, Trung ương cũng đã về Phú Lộc khảo sát sản lượng muối để xây dựng một nơi sản xuất muối có quy mô lớn, tuy nhiên gần đây, chúng tôi nghe thông tin là không làm nữa nên trước mắt, chúng tôi đã làm đề án xin ý kiến của huyện để thành lập Hợp tác xã làm muối để làm nơi điều tiết sản lượng, giá cả cho bà con diêm dân. Còn hiện nay, bà con không có kho chứa, thường bán ngay ngoài đồng cho thương lái nên thường bị ép giá.

    Số khác thì được bán cho các tư thương nhỏ, lẻ ở các chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới với số lượng không đáng kể. Việc thu mua thì mang tính “chộp giật” ngay tại ruộng, không có cam kết, hay giao kèo gì trước với bà con. Niên vụ muối năm nay, khi muối “ế”, giá xuống thấp thì tư thương lặn mất tăm, để mặc diêm dân với hằng trăm tấn muối bơ vơ trên ruộng”.

    “Trong khi chờ đợi một Hợp tác muối thì bà con diêm dân ở Phú Lộc đã tìm đầu ra cho sản phẩm của mình với việc xúc tiến thành lập các Tổ hợp tác giữa các hộ gia đình nhằm liên kết giảm sự chèn ép giá của các tiểu thương. Đồng thời, từ đó sẽ dần dần hướng tới thành lập Hợp tác xã. Về lâu dài, chúng tôi cũng đang xúc tiến việc tìm kiếm các doanh nghiệp muối lớn ở trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra ổn đinh lâu dài cho bà con diêm dân”, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phú cho biết.

    XUÂN HƯƠNG  

    Xem thêm video mục Tin tức:

    [mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-binh-diem-dan-khoc-rong-khi-muoi-rot-gia-the-tham-a118340.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.