Sáng 16/11, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất và lũ quét tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, báo Dân Trí đưa tin.
Nếu xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao sẽ gây sạt lở đất và lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp 17 hộ dân với 78 nhân khẩu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại bản.
Trước đó, ảnh hưởng của bão số 6 (tháng 10/2024) cùng đợt mưa lũ sau bão, tại khu vực núi sau bản Tân Ly đã xảy ra hiện tượng sạt lở và nứt gãy một số vị trí trên sườn núi. Các vết nứt có chiều rộng từ 0,5m đến 1m, dài khoảng 100m.
Khu vực núi này có địa hình dốc cao, địa chất phức tạp. Vị trí sạt lở sát với khu dân cư, cách hộ dân gần nhất khoảng 15m và cách nhà văn hóa bản Tân Ly khoảng 130m. Đợt mưa lũ cũng đã làm xói lở nghiêm trọng bờ suối sát 2 nhà dân ở gần ngầm tràn trên đường vào khu dân cư bản Tân Ly.
Quảng Bình hiện vẫn đang trong mùa mưa lũ, trong trường hợp mưa lớn sẽ có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét tại bản Tân Ly. Nhằm đảm bảo an toàn, trước đó chính quyền địa phương đã di dời 17 hộ dân bản Tân Ly đến nơi an toàn.
Huyện Lệ Thủy cũng quyết định trích ngân sách dự phòng để làm 17 căn nhà tạm cho 17 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở ở bản Tân Ly.
Những căn nhà tạm này có kết cấu nền sàn ván gỗ, bao che bằng bạt, khung nhà làm bằng gỗ tận dụng của các hộ dân, tre, luồng và lợp mái fibro xi măng. Tổng kinh phí cho 17 nhà tạm khoảng 400 triệu đồng.
Theo báo Lao Động, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu huyện Lệ Thủy và các sở, ngành liên quan đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại điểm sơ tán. Khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp công trình hoặc phi công trình đảm bảo an toàn lâu dài cho khu dân cư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Lệ Thủy, kiểm tra, dựa trên tình hình thực tế để có phương án xử lý. Khi có kết quả sẽ xem xét, nghiên cứu phương án tái định cư cho bà con trong trường hợp cần thiết.
Trong trường hợp xảy ra sự cố sạt lở, lũ quét, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng phó; trực và cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Tuyên truyền để người dân nắm rõ nguy cơ diễn biến sạt lở, lũ quét, hư hỏng công trình, chủ động các biện pháp ứng phó.